TP. HCM: Giảm thời gian đấu thầu
TPHCM: Từ 30/6, nhà khu quy hoạch được sửa, xây đến 3 tầng | |
Hấp dẫn những con đường chuyên doanh | |
Hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết dự án Công viên Cảng Bạch Đằng |
Những thủ tục đấu thầu hay chỉ định thầu lại kéo dài khiến đề án chỉnh trang đô thị ven kênh, rạch giai đoạn 2016-2020 của TP. HCM khó khả thi và khó thu hút nhà đầu tư. Chính vì vậy, UBND TP.HCM đã có nhiều đề xuất kiến nghị Chính phủ để rút ngắn cơ chế cũng như hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Đề xuất giảm còn 227 ngày
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất được thực hiện theo hình thức đấu thầu theo quy định tại Điều 22 của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ có tổng thời gian thực hiện rất dài. Theo đó, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: tối thiếu 647 ngày (đối với trường hợp đấu thầu) và tối thiểu 572 ngày (đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư). Thế nhưng, đây chỉ là quy định về thời gian của cơ quan thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt, chưa kể thời gian lập báo cáo đề xuất, lập hồ sơ mời sơ tuyển, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư...
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, nên thời gian thực hiện các giai đoạn trên còn nhiều hơn.
Sở Xây dựng TP. HCM cho rằng, nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu như trên thì mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch là không khả thi. Chính vì vậy, sở đã đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là thực hiện chỉnh trang đô thị, chỉ trong vòng 227 ngày. Bởi lẽ, thời gian thực hiện dự án này đang rất cấp bách và phải đảm bảo tiến độ thực hiện theo Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị TP. HCM giai đoạn 2016-2020 (theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020).
UBND TP.HCM cũng đã kiến nghị cho thành phố được chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực cho các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh, rạch.
62 dự án lớn
Theo kế hoạch chỉnh trang đô thị đã đề xuất với Chính phủ, TP.HCM sẽ thực hiện 62 dự án lớn trong thời gian tới để xóa bỏ nhà trên và ven kênh, rạch. Theo đó, việc di dời sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn từ 2015 – 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven kênh, rạch và từ năm 2020 – 2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.
Trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4... với quy mô giải tỏa, di dời khoảng 304 căn nhà.
Riêng dự án chỉnh trang đô thị dọc bờ Nam kênh Đôi và Quận 8, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng nhận định, đây là dự án trọng điểm, chiếm gần 50% số lượng nhà trên và ven kênh, rạch toàn thành phố.
UBND TP. HCM đã thành lập Tổ công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch trên địa bàn Quận 8 với mục tiêu trọng tâm là di dời, giải phóng mặt bằng tuyến bờ Nam Kênh Đôi, đi qua 7 phường thuộc địa bàn Quận 8. Theo dự kiến có khoảng 4.392 căn nhà sẽ được thực hiện di dời, giải tỏa; thu hồi khoảng 39 ha đất trên và ven bờ kênh nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng cảnh quan đô thị. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 13.096 tỷ đồng (trong đó riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 12.197 tỷ đồng, chiếm 93,1% cơ cấu vốn đầu tư).
Để triển khai thực hiện dự án chỉnh trang đô thị bờ Nam Kênh Đôi và Quận 8, UBND TP. HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup nghiên cứu điều chỉnh cục bộ 8 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu dân cư các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Trước đó, có 5 nhà đầu tư xin thực hiện dự án này, trong đó có hai nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án là Vingroup và HFIC.
Về tính khả thi của chương trình chỉnh trang đô thị ven kênh, rạch giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, để hoàn thành những mục tiêu này, đòi hỏi thành phố phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố. Theo đó, UBND thành phố kiến nghị Trung ương cho phép được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính.