TP.HCM: Mất hàng trăm tỷ vì chậm đấu thầu
Huy động vốn qua đấu thầu: Hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế | |
TP. HCM: Giảm thời gian đấu thầu | |
Đấu thầu qua mạng vẫn tắc |
Có khoảng 3 triệu hộ dân tại TP. HCM được hệ thống rác dân lập thu gom với mức phí 30.000 đồng/hộ/tháng, tương đương gần 1.000 tỷ đồng/năm. Theo lãnh đạo Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, nếu Nhà nước quản lý được nguồn thu này, sau khi chi trả cho lực lượng thu gom, vẫn còn dôi dư để bù qua chi phí vận chuyển, xử lý rác.
Ảnh minh họa |
Hiện nay công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt chủ yếu được các công ty công ích quận huyện và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố thực hiện qua hình thức đặt hàng. Năm 2017, UBND TP.HCM ban hành các nguyên tắc để triển khai đấu thầu, hoặc làm cơ sở đưa vào hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu trong đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, ngay sau khi có quyết định của thành phố, Sở đã hướng dẫn các quận - huyện tiến hành đấu thầu, tổ chức kiểm tra giám sát các hợp đồng. Đến thời điểm hiện nay có 5 quận đã thực hiện triển khai đấu thầu là Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, quận 4 và quận 12. Trong đó, quận 12 chỉ đấu thầu ở khâu quét rác trên đường từ năm 2017, còn việc thu gom, vận chuyển vẫn do công ty công ích quận đảm trách. Vẫn còn 19 quận huyện khác chưa thực hiện việc đấu thầu thu gom rác.
Là một trong 5 đơn vị thực hiện, lãnh đạo quận Bình Tân cho biết đã tổ chức gói thầu 250 tỷ đồng, tiến hành đấu thầu và đã tiết kiệm được 25 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Tuy nhiên, khó khăn là khi đấu thầu xong, việc tổ chức nghiệm thu khối lượng và kinh phí thực hiện lại chưa được hướng dẫn. Đáng nói, kết quả đấu thầu quét rác đường phố ở quận 12 (6 tháng cuối năm 2017) đã giúp giảm chi phí ngân sách hơn 3,6 tỷ đồng so với hình thức đặt hàng trước đó.
Qua những kết quả ban đầu có thể khẳng định, việc đấu thầu chọn đơn vị quét, vận chuyển, thu gom rác sẽ giúp “cuộc chơi” trong lĩnh vực này trở nên công bằng, minh bạch hơn; đồng thời giúp thành phố tiết kiệm được khoản ngân sách không nhỏ. Bên cạnh đó, để đủ điều kiện tham gia và thắng thầu, các nhà cung cấp dịch vụ thu gom rác phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua việc đầu tư cho nhân sự, trang thiết bị, phương tiện...
Theo bà Mỹ, sở dĩ nhiều nơi chưa tổ chức đấu thầu là do các khó khăn, vướng mắc như bất cập về việc ủy quyền cho các quận huyện trong việc xây dựng đơn giá quét dọn, thu gom, vận chuyển rác; trong các gói thầu về quét dọn thu gom rác, tiền lương và phụ cấp cho công nhân chưa có khoản phụ cấp nặng nhọc và độc hại; thiếu chi phí quản lý giám sát, định mức lợi nhuận định mức trong lĩnh vực này, thiếu đơn giá khi lượng rác phát sinh…
Cùng với đó, do đặc thù các gói thầu có điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, gây những khó khăn phát sinh nên các quận - huyện chưa mạnh dạn thực hiện đấu thầu.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đây là vấn đề mới nên có vướng mắc khi triển khai thực hiện. “Ngân sách thành phố chỉ chi một khoản cố định cho việc thu gom rác một lần/ngày. Tuy nhiên, chính điều này làm đường phố không sạch. Để đường phố sạch hơn, phải gia tăng tần suất thu gom rác, nhưng lại phải tiết kiệm ngân sách. Như vậy, chỉ có đường duy nhất là đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch. Qua thực tế, các đơn vị triển khai đấu thầu đều thu được kết quả khả quan, thậm chí tiết kiệm được tiền tỷ. Chúng ta nên sớm triển khai mô hình này”.
Ông Tuyến cũng ủy quyền cho UBND 24 quận - huyện nghiêm túc, khẩn trương thực hiện tổ chức đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ngay trong quý II/2018. Ngoài ra, thời gian tới, cũng sẽ tổ chức đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển rác trong những chương trình lớn như dịp lễ, Tết, mà hiện tại đang chỉ định thầu. “Quận - huyện nào có khó khăn trong quá trình triển khai thì phải báo cáo để tháo gỡ, chứ làm đối phó hoặc không làm sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Tuyến nói.