Trợ sức cho khởi nghiệp
Chính sách giữ vai trò kiến tạo khởi nghiệp | |
Start-up sắp có điểm tựa |
Một trong những khó khăn lớn nhất mà DN khởi nghiệp đang gặp phải chính là nguồn vốn. Theo các chuyên gia, yếu tố vốn đang mang tính quyết định, và phần lớn DN khởi nghiệp vẫn đang tìm vốn, khát vốn, lo lắng về vốn.
Ảnh minh họa |
Hiện nay có nhiều DN khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng lại đối mặt với việc khó tìm được các nguồn vốn đầu tư và vẫn chưa hiểu rõ cách tiếp cận với các nguồn vốn đó sao cho hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, các DN khởi nghiệp tại Việt Nam đều gặp khó khăn về tài chính. Tại Việt Nam, việc tài trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo thường đến từ gọi vốn cộng đồng và vốn đầu tư mạo hiểm.
Tuy nhiên việc tìm kiếm được nguốn vốn để duy trì và phát triển là hết sức khó khăn. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, từ chính sách, hành lang pháp lý đến bản thân chính DN khởi nghiệp và nhà đầu tư. Vì vậy giải bài toán tài chính cho DN khởi nghiệp là vấn đề rất được quan tâm hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực. Hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp cũng rất năng động với khoảng 20 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp như: Mạng lưới hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP). Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp cũng đang diễn ra rất sôi nổi.
Trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các DN khởi nghiệp Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD. Thời gian qua đã có rất nhiều thương vụ kêu gọi vốn thành công có tổng giá trị lên đến hơn hàng chục triệu USD như Foody, Momo, F88, Got It...
Trong năm 2017, cả nước có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Mới đây, tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2017) được tổ chức tại Hà Nội đã có 29 thương vụ đầu tư được cam kết với tổng giá trị hơn 4,5 triệu USD; hơn 170 cuộc kết nối đầu tư sâu từ trước và trong sự kiện được thực hiện. Đây được cho là bước đệm cho thành công của các DN khởi nghiệp Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho rằng, mặc dù rất nhiều các dự án khởi nghiệp ra đời với những ý tưởng sáng tạo mới lạ nhưng vẫn không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. Mặc dù các quỹ đầu tư mạo hiểm đã có một số đầu tư cho DN khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Đánh giá từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cho thấy, các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các DN khởi nghiệp lại đang thừa nhiều vốn mà không tìm được DN để đầu tư. Nguyên nhân được cho là các DN khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế không đủ năng lực và điều kiện để được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn.
Theo bà Thạch Lê Anh - Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Chủ nhiệm đề án Thung lũng Silicon Việt Nam, về Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì thị trường Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của một số quỹ đầu tư vào các startup như: Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate Venture (Singapore), IDG, 500 startup (Mỹ)…
Nguồn vốn đầu tư cho startup của các Quỹ kể trên là tương đối lớn nhưng startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư của các quỹ này. Chính vì vậy đồng nghĩa với việc các Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm các thương vụ đầu tư tại Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, mới đây UBND TP. Hà Nội phối hợp với VPBank ra mắt Cổng thông tin Hệ sinh thái Khởi nghiệp TP. Hà Nội - StartupCity.vn và Không gian khởi nghiệp UP@VPBank. StartupCity được phát triển cho các DN khởi nghiệp quảng bá dự án kêu gọi đầu tư của mình.
Qua đó, những nhà đầu tư thiên thần cho đến các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể khám phá các cơ hội kinh doanh mới, theo dõi các công ty, xu hướng công nghệ và những vấn đề đang được quan tâm cũng như trực tiếp kết nối bản thân với nhà sáng lập của các startup mới. Từ đó rót vốn cho những dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Có thể thấy, bên cạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm thì việc kêu gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp đang tích cực được hỗ trợ triển khai. Các DN khởi nghiệp có thể huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn từ người thân, gia đình, ngân hàng, các quỹ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ… Đặc biệt sự hỗ trợ từ các DN khởi nghiệp đã thành công cũng được xem như một kênh đầu tư mới cho cộng đồng khởi nghiệp.
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ các DN khởi nghiệp cũng như xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự vào cuộc không chỉ của chính phủ, các tổ chức khởi nghiệp mà còn cần đến rất nhiều từ nguồn lực xã hội, đặc biệt là các DN đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những DN đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, đầu tư vốn cho những DN mới khởi nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội ban hành ngày 12/6/2017; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”… |