Tỷ giá: Duy trì ổn định từ sự điều hành linh hoạt
Chính sách tỷ giá mới: Bước đi cần thiết | |
Điểm mới trong chính sách tỷ giá | |
Chính sách tỷ giá: Sự cần thiết chuyển hướng điều hành trong bối cảnh mới |
Nhìn lại diễn biến kinh tế trong những tháng qua, với điểm nhấn kinh tế vĩ mô về cơ bản được ổn định, có sự đóng góp không nhỏ của điều hành chính sách tiền tệ, trong đó không thể không nhắc tới thành công từ chính sách điều hành tỷ giá.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến tỷ giá, trong đó có theo dõi sát tình hình quốc tế và khu vực, các động thái của NHTW châu Âu, FED, NHTW Trung Quốc để có điều hành linh hoạt. “Chúng tôi tin rằng, với công cụ, nguồn lực và những giải pháp điều hành, đặc biệt từ khi sử dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới chúng ta có điều kiện để chủ động điều hành, vừa đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ một phần tăng trưởng xuất khẩu”, Thống đốc nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Sự quyết liệt trong điều hành chính sách tỷ giá đã mang lại những kết quả tích cực, bởi nếu như tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam (VND) và Đôla Mỹ (USD) sáng 2/8 được NHNN công bố ở mức 21.845 đồng/USD - mức thấp nhất trong khoảng 3 tháng qua, thì đến ngày 5/8, tiếp tục giảm về mức 21.828 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá tại một số NHTM đang duy trì quanh ngưỡng 22.260 - 22.360 đồng/USD, cụ thể, tại Vietcombank và BIDV cùng niêm yết giá USD ở mức 22.260 – 22.330 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi suốt nhiều ngày qua.
Theo các chuyên gia NH, sự khác biệt trong chính sách điều hành tỷ giá chính là việc NHNN công bố tỷ giá trung tâm có lên, có xuống hàng ngày đã giảm tâm lý kỳ vọng tỷ giá “chỉ có tăng” như trước đây, giảm găm giữ ngoại tệ.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều. Bằng chứng nữa là những sự kiện như Brexit vừa qua có tác động tới tăng tỷ giá, nhưng chỉ tăng nhẹ và về cơ bản tỷ giá, thị trường ngoại hối vẫn ổn định đến nay.
Điểm nữa cũng rất quan trọng là trong điều hành hàng ngày, NHNN đã bám sát diễn biến của thị trường, của quốc tế để công bố tỷ giá trung tâm phù hợp. Đặc biệt là kết hợp với các công cụ điều hành trên thị trường tiền tệ để có thể quyết định liều lượng hợp lý. Các quyết định chính sách này được căn cứ không chỉ trên những yếu tố về kinh tế mà còn căn cứ trên yếu tố về tâm lý, kỳ vọng của thị trường. Và khi tâm lý găm giữ ngoại tệ được giải tỏa, NHNN có điều kiện mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) trong báo cáo kinh tế tháng 7, cho thấy, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định. Đồng thời đưa ra dự báo rằng, tỷ giá những tháng cuối năm 2016 sẽ dao động trong khoảng kỳ vọng, song vẫn còn một số yếu tố bất định cần được theo dõi.
Trong đó, UBGSTCQG lưu ý: những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới tỷ giá USD/VND bởi tác động ngắn hạn từ Brexit sẽ có thể dẫn đến sự biến động của các đồng tiền chủ chốt như EUR, GBP và NDT; Đồng USD sẽ tăng giá khiến cho đồng nội tệ các nước mới nổi châu Á tiếp tục mất giá. Đặc biệt, trong trường hợp Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh sang thị trường châu Âu, sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, yếu tố trong nước như nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng cao vào cuối năm cũng sẽ tác động nhất định lên tỷ giá.
Còn theo TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, chính sách tỷ giá, phải tiếp tục linh hoạt không neo tỷ giá, nó phù hợp với quan hệ thương mại, thanh toán hiện nay giữa sức mua tiền Việt Nam với các đồng tiền chủ chốt. Cùng với đó là phải dự liệu những biến động bất thường của thị trường tài chính quốc tế để không bất ngờ. Một số chuyên gia cũng nhận định: Nếu không có cú sốc quá mạnh từ bên ngoài thì tỷ giá sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu của NHNN.