Tỷ giá nặng gánh… tâm lý
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ | |
Khó có “sóng” tỷ giá | |
Bớt nỗi lo tỷ giá cuối năm |
Thị trường và yếu tố tâm lý
Sáng 17/11, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 22.101 đồng, tăng 8 đồng so với phiên ngày trước đó. Đây là mức tăng kỷ lục trong khoảng một tuần trở lại đây. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn mà các NH áp dụng là 21.438 đồng, tỷ giá trần là 22.764 VND/USD. Và so với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,96%. Tại Sở Giao dịch NHNN, tỷ giá niêm yết ngày 17/11 là 22.300 - 22.764 đồng, giữ nguyên giá mua vào nhưng nâng giá bán ra thêm 8 đồng so với hôm trước, đồng mức điều chỉnh với tỷ giá trung tâm.
Ảnh minh họa |
Đầu giờ sáng 17/11, sau khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm, thị trường có điều chỉnh. Vietcombank điều chỉnh tăng 35 đồng lên mức 22.345 - 22.415 đồng/USD (mua vào - bán ra). VietinBank, BIDV cùng tăng 30 đồng và neo giao dịch ở mức 22.350 - 22.420 đồng/USD. Đến gần trưa cùng ngày, ba NH lớn này tiếp tục nâng giá USD lên tiếp: Vietcombank lên mức 22.375 - 22.445 đồng/USD, tăng thêm 30 đồng so với phiên đầu ngày. BIDV và VietinBank tăng 20 đồng lên mức 22.375 - 22.445 đồng/USD.
Không chỉ với khối NHTM Nhà nước, các NHTMCP cũng có sự điều chỉnh. Sacombank điều chỉnh tăng 55 đồng ở cả hai chiều mua/bán lên 22.360 – 22.450 đồng/USD; ACB tăng 45 đồng chiều mua lên 22.360 đồng/USD, tăng 55 đồng chiều bán lên 22.450 đồng/USD. Techcombank tăng 40 đồng ở cả hai chiều lên 22.350 - 22.450 đồng/USD. Một số NHTM khác như Eximbank, LienVietPostBank, DongA Bank cũng có sự điều chỉnh tăng cả chiều mua vào và bán ra…
Tỷ giá có phiên điều chỉnh mạnh trong ngày 17/11 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc biến động tỷ giá lần này cũng giống như những lần trước đó, không nằm ngoài yếu tố tâm lý. Theo Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà: Tỷ giá tăng do đồng bạc xanh tăng giá trên thị trường thế giới. Mà điều này theo lãnh đạo Vietcombank, xuất phát từ kỳ vọng của dư luận trước những chính sách và bước đi sắp tới của tân Tổng thống Donald Trump sẽ làm tăng chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo thêm sức ép để FED tăng lãi suất.
Sức ép tâm lý này có thể nhanh chóng qua đi, thị trường sẽ dần ổn định trở lại. Vì thực tế trước đó, sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) cũng khiến thị trường Việt Nam có những sự biến động nhẹ. Tuy nhiên ngay sau đó đã ổn định trở lại.
Cung - cầu thuận lợi sẽ giúp ổn định thị trường
Xáo trộn là thế, nhưng ông Hà khẳng định tỷ giá trong nước không có áp lực quá lớn. Do cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng vẫn được NH đáp ứng và không có đột biến.
Đồng tình với nhận định trên, TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh nhận thấy: Đã là giá thì đương nhiên sẽ thường xuyên biến động theo thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường thế giới đang có những biến động rất mạnh, dẫn tới những thay đổi trong nước là chuyện bình thường. Phân tích thêm, ông Ngân cho hay dư luận đang có dự báo là NHTW Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất nên khiến đồng Đô la đã tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế. Ngay cả CNY cũng đã phá giá.
Những áp lực đó về mặt tâm lý tác động tới tỷ giá giữa VND và USD. Tuy nhiên, theo ông Ngân, tỷ giá này vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Bởi trong thời gian qua, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại hối (trên 40 tỷ USD - PV). Từ đó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ để ổn định tỷ giá theo định hướng của mình.
“Tôi cho rằng những thông điệp vừa qua của Thống đốc NHNN đã thể hiện được chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá sẽ được vận hành một cách linh hoạt, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng. Theo những mục tiêu đó, NHNN sẽ giám sát thị trường và can thiệp khi cần thiết. Như vậy, tỷ giá không phải là vấn đề quá đáng lo ngại” - TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đối với ý kiến lo ngại khi FED tăng lãi suất có thể làm thị trường biến động, lãnh đạo vụ chức năng NHNN nhận định: Trường hợp FED tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 có thể không có tác động lớn đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Vì dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn; còn dòng vốn đầu tư gián tiếp FII có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường ngoại tệ trong nước.
Đối với tác động tâm lý, khi thị trường có những biến động, với cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt như hiện nay, tác động của yếu tố tâm lý sẽ được giảm thiểu. Mặt khác, Thông tư 15/2015/TT-NHNN về giao dịch ngoại tệ của TCTD cũng giúp cho nhu cầu ngoại tệ do tâm lý đẩy lên như những năm trước đây sẽ không còn nhiều. Do quy định tại Thông tư hạn chế việc khách hàng mua ngoại tệ giao ngay cho các nhu cầu chưa đến hạn thanh toán.
Ông Nguyễn Đức Long - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN): Từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn thuận lợi Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi: Cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm… Cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ quy định tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017; việc điều hành tỷ giá linh hoạt theo cả hai chiều đã giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ. Ngoài ra, việc NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường. Và ngày 15/11/2016 NHNN vừa ban hành Thông tư số 31/2016/TT- NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN sẽ góp phần làm giảm áp lực cho thị trường. Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Hoàng Nhàn thực hiện |