UBGSTCQG: Áp lực lạm phát tăng, chứng khoán cẩn trọng rủi ro đảo chiều dòng vốn
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 4/2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), việc CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tháng 4 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước) trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức ổn định (tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017) nguyên nhân chủ yếu là do tăng giá dịch vụ y tế, nhóm giao thông và nhóm nhà ở vật liệu xây dựng.
Xu thế dài hạn của lạm phát cũng có chiều hướng tăng cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể theo tính toán của UBGSTCQG dựa trên những yếu tố của thị trường hàng hóa thế giới cũng như trong nước, để đảm bảo mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% năm nay thì dư địa lạm phát còn để điều chỉnh giá dịch vụ công đến cuối năm 2018 là 1-1,2 điểm %.
UBGSTCQG cũng nhận định, do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên việc giảm lãi suất có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn nhằm giữ lãi suất ổn định.
Trong tháng 4, lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tiếp tục tương đối ổn định. Lãi suất huy động bình quân ở mức 5,2%, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,9%, trong đó lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 7%-11%; lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 2,4%-7%.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong tháng 4. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ giá trung tâm tăng 0,3%, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,26%, tỷ giá tự do tăng khoảng 0,4% so với cuối năm 2017. Nguyên nhân là do chỉ số USD Index tăng trên thị trường thế giới tăng trong tháng 4. Song nếu nhìn tổng thể bốn tháng đầu năm, chỉ số này vẫn đang giảm.
Tuy nhiên UBGSTCQG lưu ý, trước khả năng có thể xảy ra việc Fed tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018, cần phải theo dõi hết sức chặt chẽ để có những phản ứng chính sách kịp thời. “Tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 – 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như làm giảm áp lực lên lạm phát”, báo cáo nhận định.
Đối với thị trường chứng khoán, từ đầu năm 2018 đến nay, khối ngoại mua ròng 652 triệu USD trên thị trường chứng khoán chính thức (trong đó 590 triệu USD cổ phiếu và 62 triệu USD trái phiếu). Riêng trong tháng 4, khối ngoại mua ròng 62 triệu USD (trong đó mua ròng 65 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 3 triệu USD trái phiếu).
Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào các đợt IPO, bán cổ phần của các công ty tư nhân lớn như Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) và CTCP Vinhomes thuộc tập đoàn Vingroup. Điều này thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, sau quý I tăng trưởng nóng 19,3% và tiệm cận 1.200 điểm, chỉ số VN Index đã điều chỉnh giảm trong tháng 4. Tới cuối tháng 4, VN Index đạt 1.050 điểm, giảm 10,6% so với cuối tháng 3.
Với tình hình đó, UBGSTCQG cho rằng cần tiếp tục thận trọng, có các giải pháp để đối phó rủi ro đảo chiều của các dòng vốn trong đó có dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.