Ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng
Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan | |
Lo quyền lợi người tiêu dùng không được đảm bảo |
Trong bối cảnh hội nhập và Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại, hoạt động kinh doanh của DN cũng được mở rộng ra ngoài phạm vi quốc gia. Vì vậy, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng của khu vực ASEAN được đặt ra nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), xây dựng một môi trường tiêu dùng, kinh doanh ASEAN hiện đại, bền vững, hiệu quả và công bằng. Trong đó Việt Nam cũng đang rất nỗ lực thực hiện điều này.
Bảo vệ người tiêu dùng là một phần không thể thiếu của một thị trường hiện đại, bền vững, hiệu quả và công bằng |
AEC được hình thành đánh dấu một dấu mốc trong tiến trình hội nhập của ASEAN. Theo đó, nó nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực. Tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.
Cuối năm 2015, Việt Nam chính thức gia nhập AEC và trở thành thành viên tích cực. Với việc gia nhập AEC, lợi thế cho Việt Nam là hội nhập nền kinh tế khu vực và trên thế giới được rộng mở. Các DN Việt Nam được một thị trường ASEAN rộng lớn, quy mô hơn 600 triệu dân, không có rào cản thuế quan với các quy trình lưu chuyển hàng hóa thống nhất và thuận lợi cùng cơ chế một cửa ASEAN.
Không chỉ thị trường trong ASEAN mà còn mở rộng ra các nước ngoài khu vực ASEAN, bởi các nước ASEAN hiện nay đều có những hiệp định hợp tác, nhất là các hiệp định về tự do thương mại với các đối tác thương mại lớn trên thế giới.
Tuy nhiên thách thức khi hội nhập là không hề nhỏ, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vấn đề liên quan tới việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, vốn là vấn đề được tất cả các nước thành viên ASEAN quan tâm.
Do đó AEC thực hiện chiến lược ưu tiên vì lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng cũng đã được xác định trong bản Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 (AEC Blueprint).
Cụ thể, AEC Blueprint 2025 đã chỉ ra bảo vệ người tiêu dùng là một phần không thể thiếu của một thị trường hiện đại, bền vững, hiệu quả và công bằng. Vì vậy, thị trường này đòi hỏi phải có một hệ thống bảo vệ người tiêu dùng quốc gia và khu vực toàn diện và hữu hiệu, vận hành thông qua pháp luật, cơ chế bồi thường và các hoạt động nâng cao nhận thức của công chúng có hiệu quả.
Mục tiêu chung của Kế hoạch hành động chiến lược về Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN giai đoạn 2016-2025 là nhằm tạo ra các hệ thống bảo vệ người tiêu dùng quốc gia và khu vực toàn diện, được vận hành tốt thông qua việc thực thi pháp luật, cơ chế bồi thường có hiệu quả và nâng cao nhận thức công chúng.
Hiện nay, 9 nước gồm Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều đã ban hành các luật cơ bản về bảo vệ người tiêu dùng.
Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 15/3 hàng năm là "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” thì trong tháng 3/2017, hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
Bộ Công Thương đang triển khai Chương trình “Doanh nghiệp hành động vì Người tiêu dùng 2017” trên toàn quốc sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của DN và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng một cách tốt hơn trong thời gian tới.
Có thể nói, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh toàn cầu ngày càng quyết liệt, để xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng cần được đẩy mạnh. Nhất là với việc ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), việc hình thành Cộng đồng ASEAN, thì quyền của người tiêu dùng Việt Nam càng phải được bảo vệ.
Không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng nỗ lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó xây dựng sự tự tin cao hơn cho người tiêu dùng và các giao dịch thương mại xuyên biên giới bằng việc tăng cường thực thi an toàn sản phẩm, sự tham gia mạnh mẽ hơn của đại diện người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Trong thời gian qua, các thành viên của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) đã có sự phối hợp, hợp tác khá chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như xây dựng website riêng, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cảnh báo về sản phẩm không an toàn, cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền về bảo vệ người tiêu dùng ASEAN...
Đặc biệt, trong một nỗ lực gần đây, các thành viên của ACCP đã thông qua bản Kế hoạch Hành động chiến lược về Bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN giai đoạn 2016-2025 (ASAPCP).
Theo đại diện Bộ Công Thương, với việc các nước ASEAN cùng nỗ lực thực hiện kế hoạch này, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của khu vực ASEAN nói chung, và của Việt Nam nói riêng sẽ được nâng lên một tầm cao mới trong thời gian tới. Theo đó, người tiêu dùng của ASEAN và Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn, các trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm thông qua các giao dịch mua bán, tiêu dùng xuyên quốc gia sẽ bị hạn chế, ngăn chặn.
Các DN cũng có nhiều cơ hội hơn để nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình kể cả trong nước và khu vực. Đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch hành động còn góp phần quan trọng cho việc thực hiện thành công Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, thúc đẩy sự lớn mạnh của Cộng đồng kinh tế ASEAN, xây dựng một môi trường tiêu dùng, kinh doanh ASEAN hiện đại, bền vững, hiệu quả và công bằng.