Viễn cảnh phục hồi tích cực trong trung hạn
Nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng | |
Phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% | |
Gom động lực cho tăng trưởng |
2016 suy giảm, 2017 phục hồi
“Sức ép lạm phát không đáng kể, thâm hụt tài khóa sẽ giảm dần. Tuy tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ phục hồi vào năm 2017 và Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại”, theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 5/10/2016.
Về Việt Nam, Báo cáo này bình luận: trong 3 quý đầu năm 2016 tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do tăng trưởng công nghiệp sụt giảm, sản xuất nông nghiệp cũng sụt giảm do bị hạn hán nặng nề đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Vì thế kinh tế năm nay sẽ giảm sút, chỉ đạt khoảng 6%.
“Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ hồi phục và đạt 6,3% trong năm 2017 nhờ nhu cầu tiêu dùng và tín dụng tăng. Xuất khẩu cũng sẽ tăng theo nhờ các hiệp định thương mại tự do gần đây”, WB nhận định. Với dự báo này cho Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nói rằng, “Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu lại các tác động bên ngoài trong khi triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa”.
WB khuyến nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa với tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn… Và cần chú trọng tới sự bền vững và chất lượng tăng trưởng, hơn là chạy theo mục tiêu bằng các biện pháp không lâu bền.
Trả lời câu hỏi “cảm nhận thế nào khi WB dự báo mức tăng trưởng 6% trong khi tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phấn đấu với nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất từ 6,3-6,5%”, vị Kinh tế trưởng của WB nói rằng “không quan tâm lắm đến con số cụ thể 6,3-6,5% bởi chất lượng tăng trưởng mới là quan trọng thay vì chỉ chú trọng vào con số và đưa ra các biện pháp kích thích ngắn hạn.
Ông cho biết, dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay khoảng 6% là dựa vào số liệu cập nhật đến tháng 7/2016 và các chuyên gia không nhìn vào biến động GDP mà còn nhìn vào sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư và con người.
Nợ công vẫn tăng nhưng không vượt trần
Khẳng định triển vọng trung hạn của Việt Nam trong 10-20 năm nữa là vẫn tốt nhưng ông Sebastian nói : “Phải để ý đến vấn đề nợ công”. Ông nói nhiều tới nợ công và thâm hụt ngân sách, và cho rằng nợ công của Việt Nam có thể tiến sát mức trần 65% trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nhưng sẽ không vượt ngưỡng do Quốc hội đặt ra.
Tuy vậy, ông cũng nói “Chúng tôi thấy trong bất cứ trường hợp nào cũng phải giải quyết vấn đề mất cân đối ngân sách để đảm bảo làm sao nợ công duy trì ở mức ổn định trong trung hạn. 65% cũng là một ngưỡng chúng ta đưa ra thôi, chỉ để tham khảo, chúng tôi không quá chú trọng đến con số này. Quan trọng là phải xem điều gì diễn ra với thâm hụt ngân sách, để tìm ra đâu là chính sách cần có để đảm bảo thâm hụt ngân sách được kiềm chế thay vì nhìn vào mức nợ công 65%”.
Tiếp tục tập trung mạnh vào tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, không để phát sinh nợ xấu mới… là nhiệm vụ đặt ra và Việt Nam đang thực hiện trong những điều kiện rất khó khăn, với nhiều những giải pháp kiến nghị mới được đề xuất.
Hiến kế cho vấn đề này, ông Alwaleed Alatabani, Trưởng nhóm Tài chính của WB lưu ý đến hướng dùng ngân sách để xử lý nợ xấu. Ông nói “kinh nghiệm của chúng tôi là đều phải dùng ngân sách công để xử lý trong trường hợp này, nhưng phải đặt ra nhiều điều kiện với các ngân hàng dùng nguồn này để xử lý nợ xấu. Ví dụ đánh giá lại tài chính, năng lực quản trị của ngân hàng để đảm bảo không có nợ xấu trong tương lai”.
Vị chuyên gia tài chính này cũng lưu ý đến việc Việt Nam cần phải đẩy mạnh thị trường trái phiếu DN, ông cho biết đến cuối năm 2016 các chuyên gia WB sẽ gửi tới Bộ Tài chính các vấn đề chi tiết hơn để có giải pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường này. Theo ông, nếu có một thị trường tài chính DN mạnh thì sẽ phát hành trái phiếu DN tốt, đó là nguồn vốn tầng 2. Nhưng ở Việt Nam thị trường trái phiếu kém phát triển, vốn đổ vào thị trường trái phiếu từ khu vực tư nhân mới khoảng 5%.
Vị Kinh tế trưởng bổ sung thêm khuyến nghị, đó là Việt Nam cần tiếp tục cải cách và hiện đại hóa các DNNN, bên cạnh đó cần tập trung vào khu vực tư nhân trong nước để DN tư nhân được hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập, từ chuỗi giá trị và trở thành động lực thứ hai của tăng trưởng kinh tế sau khu vực FDI.