Việt Nam nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện
Việt Nam có dư địa quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện | |
Hoàng hậu Hà Lan Máxima làm việc về tài chính toàn diện | |
Khi công nghệ số là đòn bẩy cho tài chính toàn diện |
“Trong chuyến thăm và làm việc lần này, tôi đã gặp Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc NHNN Việt Nam… và mọi người đều có cam kết ủng hộ rất lớn cho phát triển tài chính toàn diện (TCTD)”- Hoàng hậu Hà Lan Máxima cho biết.
TCTD để người dân không bị bên lề
Chia sẻ tại Tọa đàm “Khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Phát triển tài chính toàn diện” ngày 1/6/2017, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, qua đó giúp nâng cao đời sống nhân dân, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và hoạt động liên quan đến các khía cạnh của tài chính toàn diện (TCTD) như phát triển tài chính vi mô, chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ TC-NH cho nền kinh tế… qua đó giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ TC-NH cho người dân.
Tọa đàm “Khuôn khổ Chiến lược quốc gia về Phát triển tài chính toàn diện” ngày 1/6/2017 |
Mặc dù vậy, những chính sách như trên vẫn chưa được đặt trong một chiến lược TCTD mang tính tổng thể, nhờ đó có thể tập trung tất cả các nguồn lực và nỗ lực để hướng vào đúng đối tượng và triển khai các biện pháp phù hợp một cách hiệu quả. Nhận thức rõ vấn đề này, đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam đã giao NHNN xây dựng khung Chiến lược quốc gia về phát triển TCTD.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và DN, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DNNVV có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý trên cơ sở phát triển hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên thì các trụ cột xuyên suốt của chiến lược là: Các sản phẩm, dịch vụ tài chính và các kênh cung ứng phải đa dạng; Năng lực của các định chế tài chính phải được tăng cường và Bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng như tăng cường hiểu biết tài chính.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy TCTD, Hoàng hậu Hà Lan Máxima - Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về TCTD cho rằng, TCTD đơn giản là làm sao để tạo dựng một khả năng tiếp cận “vừa túi tiền, hợp khả năng chi trả của mọi người dân đối với các dịch vụ tài chính”.
Hoàng hậu Hà Lan Máxima tỏ ra rất ấn tượng khi tỷ lệ người dân có tài khoản NH, tỷ lệ dân số sử dụng internet; tỷ lệ thuê bao di động… ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. “Tuy nhiên để kéo lùi khoảng cách của những người dân chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chính và để họ không bị gạt ra ngoài lề thì chặng đường phía trước còn rất dài” - Hoàng hậu Máxima nói và cho rằng: “Với những tiềm năng như vậy, tôi tin tưởng hoàn toàn rằng, Việt Nam thực sự đang có một vị thế quan trọng phù hợp để thúc đẩy TCTD. Và một chiến lược quốc gia về TCTD sẽ chính là mỏ neo quan trọng để thúc đẩy vấn đề này”. Hoàng hậu Máxima cũng thông tin thêm, các tổ chức quốc tế ở đây để sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình này.
Cần có cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính
Theo bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN, bên cạnh những yếu tố, điều kiện thuận lợi nêu trên thì việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về TCTD cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: Nhận thức chung của xã hội về TCTD chưa đầy đủ; Chưa có một cơ chế đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược quốc gia về TCTD ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có khu vực tư nhân; Cơ sở hạ tầng tài chính chưa được kết nối đồng bộ… Đặc biệt là cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và TCTD nói chung còn thiếu.
“Thông tin đánh giá về mức độ tiếp cận tài chính không chỉ cần thiết để định hình nên các chỉ tiêu chiến lược cần thực hiện một cách khả thi mà còn quan trọng trong việc xác lập khung quản lý và giám sát chiến lược. Do đó, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về TCTD để phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như đánh giá việc triển khai thực hiện” – bà Lan cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Hoàng hậu Máxima cho rằng, dù việc xây dựng được một cơ sở dữ liệu như vậy là khó khăn nhưng cần thiết phải làm vì sẽ giúp có được bức tranh thông tin đầy đủ về nhu cầu sử dụng, loại hình tài khoản… “Do đó chúng tôi hy vọng rằng, các đối tác quốc tế có mặt ở đây sẽ hỗ trợ phía Việt Nam để thực hiện được các nội dung này” - Hoàng hậu Máxima nói.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm quốc tế Hoàng hậu Máxima cho rằng, một chiến lược như vậy muốn thành công cần 3 yếu tố mấu chốt. Trong đó, trước hết là cần sự ủng hộ về mặt chính trị của các quan chức cao cấp của Nhà nước, Chính phủ - những người đi tiên phong để cổ vũ cho lĩnh vực này. “Trong chuyến thăm và làm việc lần này, tôi đã gặp Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc NHNN Việt Nam … và mọi người đều có cam kết ủng hộ rất lớn cho phát triển TCTD”- Hoàng hậu Máxima thông tin.
Tiếp theo, dù chiến lược luôn luôn mạnh mẽ nhưng cũng phải dựa trên cơ sở những chẩn đoán, đánh giá tình hình thông qua việc thường xuyên thu thập những cơ sở dữ liệu phù hợp, đầy đủ như việc sử dụng tài chính và các dịch vụ tài chính đó có chất lượng như thế nào với những cộng đồng dân cư còn chưa vươn tới được các dịch vụ TC-NH để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, một điều vô cùng quan trọng nữa là phải có sự tham gia chung tay của các bộ, ngành cũng như khu vực tư nhân với NHNN trong điều phối cũng như tạo sự gắn kết trong quá trình thực hiện. “Phải có sự tham gia chung tay của các Bộ, ngành không chỉ trong quá trình thiết kế, hoạch định, dự thảo chiến lược TCTD mà cả sự tham gia của họ trong quá trình sau đó. Tôi hy vọng là các bạn sẽ có một ủy ban điều phối quốc gia có sự quy tụ của tất cả các Bộ, ngành quan trọng trong Chính phủ để xây dựng sau đó là những nhóm công tác về các nhóm vấn đề chính liên quan đến TCTD”.
Trả lời câu hỏi từ phía Việt Nam là ủy ban đó nên được thành lập vào thời điểm nào? Hoàng hậu Máxima trả lời: “Tôi cho rằng, thành lập ngay bây giờ là phù hợp. Bởi chúng ta còn khoảng 1,5 năm nữa để xây dựng chiến lược này, tức đến năm 2019 chúng ta phải xây dựng xong. Và trong quá trình đó, cần sự điều phối tham gia của các bộ, ngành để xây dựng chiến lược. Hơn nữa, một ủy ban như vậy sẽ đóng vai trò mấu chốt trong điều phối, giám sát, đánh giá công tác thực thi trong chặng đường thực hiện chiến lược này”.