Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á
TIN LIÊN QUAN | |
Nhất quán trong điều hành CSTT, củng cố lòng tin thị trường | |
Môi trường vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng |
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng ngày 9/1/2019 |
Với mức tăng trưởng GDP đạt 7%, lạm phát được kiểm soát thành công dưới mức mục tiêu 4% và dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất tính tới nay, thị trường quốc tế đã công nhận việc quản lý kinh tế hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, thể hiện qua việc Fitch Ratings nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vào tháng 5/2018.
Những thành tựu này đạt được này nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, điều hành thành công các chính sách và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh các diễn biến kinh tế trên thế giới như Fed tăng lãi suất và căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều được cải thiện trong 2018.
Lãi suất, tỷ giá được giữ ổn định và nợ xấu được kiểm soát, điều này đã giúp giảm thiểu biến động thị trường, tăng sức cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực ASEAN, thu hút FDI và củng cố niềm tin thị trường đối với khả năng quản lý cũng như các chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nirukt Sapru cho biết, BWG cũng rất vui mừng trước quyết tâm của Chính phủ thể hiện qua Quyết định 1058 và Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, Nhóm hoan nghênh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc tích cực truyền thông, trao đổi những cải tiến trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như nhà đầu tư và tạo điều kiện phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh, an toàn và hiệu quả hơn.
Xét ở góc độ vĩ mô, trong năm 2019, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered dự đoán nền kinh tế toàn cầu giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 3,6% so với 3,8% của năm 2018.
Điểm tích cực là triển vọng tăng trưởng của khu vực ASEAN vẫn mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa. Trong đó, dự đoán sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm nay và tin rằng, Việt Nam sẽ giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á năm 2019.
Đồng thời, các chuyên gia Standard Chartered nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Việc đánh thuế hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm nhu cầu thương mại của Mỹ chuyển hướng sang các thị trường khác và Việt Nam là một trong những nước có thể hưởng lợi. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử.
Bên cạnh đó, với vị thế là một thị trường tiếp nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Việt Nam có thể được hưởng các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, cũng như có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài và được hỗ trợ trong việc thực hiện theo các thông lệ quốc tế, tăng cường khả năng của các công ty nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng tới gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đóng góp và hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, Trưởng nhóm BWG đã nếu 5 khuyến nghị với ngành Ngân hàng. Theo đó, vấn đề chuẩn mực đạo đức và minh bạch trong Ngành nên tiếp tục được tập trung để phát triển môi trường kinh doanh và đóng góp tạo nên một nền kinh tế toàn diện và cạnh tranh công bằng.
Ở nội dung này, BWG hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã đưa chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vào yêu cầu trong hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng tại Thông tư 13, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực này.
Nhóm cũng nhìn nhận số hóa và an ninh mạng sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhất. Do đó trong chương trình đẩy mạnh mục tiêu số hóa và đơn giản hóa thủ tục, Nhóm khuyến nghị Chính phủ cho phép tự động hóa hệ thống thanh toán kết nối với các kênh trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục, chứng từ.
Khuyến nghị tiếp theo là lĩnh vực tài chính phi ngân hàng nên được quy định hợp lý, đặc biệt trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng. Trong đó, việc kiểm soát các yêu cầu về vốn và thanh khoản cũng như thực tiễn thu hồi nợ đóng vai trò quan trọng.
BGW cũng cho rằng, danh mục "Cho vay thế chấp" nên được đưa ra khỏi số liệu cho vay bất động sản. Danh mục này nên được khuyến khích với mục đích cung cấp nhà ở cho người dân với điều kiện các khoản vay đó được kiểm soát hợp lý, ví dụ như dựa trên tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản (loan to value) thận trọng. Việc này góp phần cải thiện tỷ lệ sở hữu nhà của người Việt Nam và phát triển kinh tế gia đình.
Cuối cùng, việc triển khai Basel II sẽ tiếp tục cải thiện các tiêu chuẩn quản trị trên thị trường. Là một mắt xích trong quy trình này, các ngân hàng nên được chỉ định xếp hạng và cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên vốn, tỷ lệ thanh khoản và chiến lược của mình.