Vốn lớn, phải đi kèm hiệu quả cao
Vietcombank: Phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông | |
BĐS đua nhau phát hành cổ phiếu | |
Hấp dẫn cổ phiếu bán lẻ |
Phát hành cổ phiếu… cấn trừ nợ
Chưa bao giờ mà đại hội cổ đông của các DN niêm yết năm nay lại chứng kiến sự giằng co giữa các cổ đông (nhất là cổ đông nhỏ lẻ) với các chính sách phát hành thêm cổ phiếu như thế. Nó không chỉ xuất phát từ nhu cầu phát hành tặng thưởng cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, mà còn từ nhu cầu gia tăng vốn để đầu tư hay phát hành thêm cổ phiếu để cấn trừ nợ cho các chủ nợ.
Các cổ đông lo lắng cũng là điều dễ hiểu, bởi giữa lúc thị trường chứng khoán đang chật vật đi lên, giá cổ phiếu nhiều DN bị rớt quá sâu, thì dù mục tiêu của đợt phát hành thêm cổ phiếu là gì đi chăng nữa cũng gây sức ép lớn đến khả năng sinh lợi của cổ phiếu trên thị trường.
Một trong những trường hợp điển hình nhất trong việc liên tục phát hành cổ phiếu trong các năm qua là Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân tạo (ITA). Trong năm nay, ITA lại dự kiến phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ.
Sản xuất tốt giá cổ phiếu cao chia cho ban điều hành |
Bởi sau nhiều lần phát hành thêm cổ phiếu, ITA đã là một trong những DN BĐS có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán hiện nay (hơn 8.300 tỷ đồng). Việc phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu lần này (tương đương với nâng vốn lên thêm 1.000 tỷ đồng) sẽ gây sức ép cực lớn lên các hệ số đo lường hiệu quả tài chính của công ty vốn đã không mấy khả quan trong mấy năm qua. Thực tế thì mức giá cổ phiếu ITA giao dịch trên thị trường chỉ còn chưa tới 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ số P/E lên đến 28x – tức nằm trong số các cổ phiếu đắt nhất thị trường hiện nay.
Một DN khác cùng lĩnh vực hoạt động với ITA là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), cũng quyết định chào bán riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Song song với đó, KBC sẽ phát hành gần 47 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và 47 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn thặng dư vốn chủ sở hữu. Tổng cộng sau 3 đợt phát hành này, vốn điều lệ của KBC sẽ tăng mạnh, thêm hơn 2.000 tỷ đồng để đạt đến 6.840 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty, Chủ tịch Đặng Thành Tâm cho biết, sở dĩ cần phát hành một lượng cổ phiếu khủng như thế vì cần huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển các dự án hạ tầng khu công nghiệp, đón đầu “làn sóng” TPP. Nhưng điều lo lắng cho các cổ đông là hiệu quả đồng vốn, bởi tuy sở hữu vốn lớn nhưng hiệu quả kinh doanh của KBC vẫn chưa khởi sắc bao nhiêu. Trong năm ngoái, hai chỉ số ROA và ROE mà DN này đạt được chỉ lần lượt đạt 4,4% và 7,4%.
Mở rộng quy mô bằng tài sản người khác
Nhưng trường hợp phát hành vốn ấn tượng nhất trong mùa đại hội lần này phải là cái tên Bamboo Capital. Ngoài phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, 3,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, thì Bamboo Capital dự kiến sẽ phát hành đến 61 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng, vốn điều lệ của công ty sau các đợt phát hành cổ phiếu sắp tới sẽ tăng mạnh lên hơn 1.080 tỷ đồng, từ mức chỉ khoảng 400 tỷ đồng của năm trước. Và đáng nói hơn, đây là một trong những DN có mức tăng vốn nhanh nhất trên sàn khi tăng đến 800 lần chỉ sau 4 năm.
Là một DN chuyên thâu tóm các DN khác, nhất là các công ty nhỏ lẻ hay đang bị khủng hoảng - trì trệ, Bamboo Capial cần vốn phát hành thêm là điều đương nhiên. Tuy vậy, liệu việc tăng vốn quá nhanh có gắn liền với tăng trưởng doanh thu – lợi nhuận và nhất là khoản mục lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu EPS hay không, sẽ là câu hỏi khó cho các cổ đông của Bamboo Capital, bởi việc bành trướng quá nhanh quy mô tài sản mà hệ thống quản trị không cải thiện sẽ mang đến những rủi ro khó lường.
Vốn là một DN nhiều năm không chi trả một đồng cổ tức cho các cổ đông nhưng Masan (MSN) là một trong những công ty khá hào phóng trong việc phát hành cổ phiếu cho đội ngũ quản lý cấp cao trong công ty. Sau đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu dạng này vào tháng 7 năm ngoái, đại hội cổ đông mới tổ chức gần đây cũng thông qua phương án phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên nữa với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng nhiều cổ đông nhỏ lẻ không hoan nghênh với quyết định này, bởi trong khi họ không nhận được đồng cổ tức nào thì với chênh lệch quá lớn giữa thị giá cổ phần MSN và giá phát hành cho cán bộ công nhân viên (70.000 đồng so với 10.000 đồng), đội ngũ quản lý của Masan đã thu về một khoản lợi nhuận không hề nhỏ, lên đến hơn 600 tỷ đồng!
Một trường hợp phát hành cổ phiếu đáng kể nữa còn có thể kể đến là Công ty địa ốc Hoàng Quân với dự kiến tổng số lượng phát hành lên đến 205 triệu cổ phiếu để gia tăng quy mô vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng. Mức phát hành khủng lần này sẽ khiến nhiều cổ đông phải thất vọng, bởi sẽ gây sức ép cực lớn lên giá cổ phiếu hiện hành, vốn cũng đã rất rẻ trong cả năm qua khi chỉ dao động từ 4.000 -7.000 đồng/cổ phiếu.
Đó còn là trường hợp của FIT, TSC, FLC, IDI, DXG, HHS, ASM… Không thể phủ nhận việc gia tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu, một mặt giúp tạo ra dòng vốn đầu tư trung và dài hạn cho công ty, mặt khác giúp giảm bớt đòn bẩy tài chính, làm bảng cân đối tài chính đẹp hơn. Việc phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ cũng giúp giảm bớt áp lực trả nợ cho công ty, hay việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng giúp tạo thêm một dòng “tiền tươi thóc thật”, hỗ trợ cho các DN sẵn sàng nắm lấy cơ hội khi xuất hiện.
Tuy vậy, không phải các chương trình phát hành cổ phiếu nào cũng mang lại sự yên tâm cho các cổ đông, bởi quy mô phát hành quá lớn mà hiệu quả sử dụng đồng vốn lại ở mức khiêm tốn, gây nguy cơ pha loãng giá trị cổ phiếu. Thậm chí đến một lúc nào đó, chính DN lại phải đau đầu tìm cách giảm bớt vốn điều lệ, trả lại vốn cho cổ đông giống như trường hợp của Becamex IJC mới đây. Cân đối lợi ích giữa DN và cổ đông quả thật luôn là chuyện không hề dễ dàng.