Vượt áp lực, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Đảng ủy Cơ quan NHTW: Chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ điều hành CSTT | |
Cần tận dụng nguồn lực tốt hơn | |
Chủ động điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng |
Ông Võ Trí Thành |
Những thành quả ban đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô rất có thể đã bị tuột khỏi tay nếu các chính sách điều hành trong 7 tháng đầu năm không kiên trì theo đuổi. Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, sự kiên trì này càng được thấy rõ qua các bước đi thận trọng của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trước các áp lực dồn dập trên thị trường.
Theo ông vấn đề nào gây áp lực trên thị trường thời gian qua?
7 tháng đầu năm 2016, tình hình cả trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, gây không ít khó khăn với công tác điều hành CSTT. Một mặt CSTT vừa phải giữ vai trò trụ cột đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, song mặt khác lại chịu áp lực phải hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
7 tháng đầu năm, vốn cho phát triển kinh tế được đảm bảo và dòng tiền ngân sách cũng được giám sát tốt hơn |
Trước hết, lạm phát đang có xu hướng tăng lên, trong khi mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay đang trở nên xa vời hơn. Trong bối cảnh đó, ngân sách càng eo hẹp hơn với thâm hụt lớn, nợ công cao và gia tăng nhanh hơn, càng đặt thêm gánh nặng lên vai CSTT. Cùng với đó thì các cú sốc bên ngoài cũng làm cho ứng xử CSTT phức tạp hơn. Điển hình là sự kiện Brexit (người dân Anh bỏ phiếu rời EU) khiến thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, và làm tình hình kinh tế, tài chính trở nên bất định hơn. Nền kinh tế Việt Nam ít nhiều cũng chịu tác động của Brexit.
Đứng trước những khó khăn này, CSTT đã đạt được những thành quả nhất định và đáng ghi nhận khi cân đối được mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể ông đánh giá ra sao về vai trò điều hành của NHNN đối với thị trường?
Trước hết có thể thấy rằng cách thức mới trong điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm đã là một bước đi trước thích ứng tốt hơn với tín hiệu và biến động thị trường. NHNN đã bơm, hút tiền kịp thời, vừa đảm bảo tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tăng mạnh dự trữ ngoại tệ, vừa duy trì mức cung tiền phù hợp với yêu cầu ổn định vĩ mô. Khi cả lãi suất, tỷ giá đều không bị điều chỉnh quá mức, thì trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi như vậy, kinh tế vĩ mô đã không có những “cú giật” bất thường.
Cùng với đó thì CSTT cũng đã có sự phối hợp nhịp nhàng hơn với chính sách tài khoá khi chỉ trong nửa đầu năm đã huy động lượng vốn lớn từ trái phiếu Chính phủ, đạt tới 75% kế hoạch năm, với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn. Nhờ đó vốn cho phát triển kinh tế được đảm bảo và dòng tiền ngân sách cũng được giám sát tốt hơn.
Bên cạnh đó, không thể không nói tới sự kiên định của NHNN trong ứng xử với vàng trước các sức ép từ dư luận. Vàng là một dạng tài sản tài chính, rất dễ có đầy đủ chức năng như tiền. Vì vậy nếu xử sự không khéo sẽ làm tăng mức vàng hoá trong nền kinh tế, làm giảm hiệu lực của CSTT, gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô. Đây là cái đặc thù của tài sản vàng.
Nhận thấy điều này nên thời gian qua, cùng với Nghị định 24 thì NHNN đã rất kiên trì loại trừ một yếu tố gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ổn định tương đối được thị trường vàng và bước đầu hạn chế nguy cơ vàng hoá trong nền kinh tế. Trước những ý kiến cho rằng cần huy động vàng trong dân, NHNN đã kiên định và giữ vững thành quả đã đạt được, hết sức coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh lành mạnh hoá hệ thống NH.
Những áp lực vừa qua có còn tiếp tục đặt lên vai điều hành chính sách của NHNN trong những tháng cuối năm hay không?
Chắc chắn là vẫn còn. Tôi cho rằng nhiệm vụ của cơ quan điều hành CSTT trong những tháng cuối năm sẽ còn nặng nề hơn. Bởi không chỉ giữ vững thành quả ổn định vĩ mô, chúng ta còn cần hỗ trợ mạnh hơn cho sản xuất kinh doanh, cho phục hồi của nền kinh tế.
Trước hết, áp lực lên tỷ giá của Việt Nam là câu chuyện sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến cách thức điều hành cả CSTT và chính sách tỷ giá. Cuối năm ngoái áp lực lên tỷ giá của Việt Nam là khá lớn, trong đó có ba áp lực chính. Thứ nhất, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT khá mạnh đã kéo theo sự mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có nhiều đồng tiền gắn với các đối tác thương mại của Việt Nam. Áp lực thứ hai là vào thời điểm đó có rất nhiều dự báo và cũng là chính sách của FED trong năm 2016, sẽ tăng lãi suất USD. Cuối cùng là áp lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Năm 2015 chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, nhưng trên thực tế chỉ đạt được khoảng 8%, và hơn nữa xuất khẩu nông sản rất khó khăn. Cho nên cách thức điều hành cũng đứng trước áp lực tạo năng lực cạnh tranh của đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu. Nhìn lại đến nay ba áp lực đó vẫn còn. Rõ nhất là áp lực về xuất khẩu khi mục tiêu năm nay vẫn đặt ra mức tăng trưởng 10% nhưng 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 5,8%. Còn hai áp lực kia có vẻ đã giảm bớt.
Bên cạnh đó là còn có áp lực lên lãi suất. Hiện nay DN rất lo lắng về tình hình lãi suất tăng trong nửa cuối năm 2016. Tôi cho rằng lãi suất sẽ khó giảm, nếu không muốn nói là sẽ tăng. Bởi chúng ta vẫn cần phải cân đối giữa thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nên không thể nới lỏng CSTT nhiều được.
Bên cạnh đó là áp lực lên lãi suất USD và tỷ giá, qua đó lên lãi suất VND vẫn còn. Lạm phát lại đang có xu hướng tăng lên. Cùng với đó là một số yếu tố tác động khác như ngân sách khó khăn khiến chúng ta phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ, việc các NH phải giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn sang cho vay trung vài dài hạn… cũng ít nhiều đẩy lãi suất tăng lên.
Vậy ông có khuyến nghị gì cho công tác điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm?
Điều hành chính sách tỷ giá có thể nói là đã uyển chuyển, linh hoạt hơn và mang tính thị trường hơn. Ở đây bài toán cơ bản là làm sao trong chừng mực nhất định vẫn có dư địa để chính sách vừa linh hoạt vừa tốt hơn cho năng lực cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam, mà vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Dư địa này hiện nay cũng còn được đôi chút, có thể cố gắng tận dụng được điều này. Với tinh thần như vậy tôi cho rằng có thể giảm giá đôi chút VND vì dư địa vẫn còn và điều này cũng phù hợp với dự báo của các tổ chức quốc tế.
Như vậy vẫn có thể đảm bảo tăng được ít nhiều năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trong khi vẫn ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên về mặt kỹ thuật điều này còn phụ thuộc vào bài toán lớn hơn là cân đối giữa cung tiền, chính sách tài khoá với việc kìm giữ lạm phát không quá cao.
Trong 6 tháng cuối năm làm sao để không tăng lãi suất thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết là việc cắt giảm chi phí quản lý hoạt động của các NHTM. Điều căn bản hơn là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Cùng với đó là bài toán cân đối giữa tăng trưởng với ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp giữa CSTT và chính sách tài khoá. Tinh thần chung vẫn là phải kiên trì với ổn định kinh tế vĩ mô, không nên vì nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng rồi dồn lại thêm nhiều rủi ro, hệ luỵ tiêu cực đến nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!