Xây dựng thương hiệu “xanh”: Đừng vì lợi ích trước mắt
VietinBank ra mắt bộ nhận diện thương hiệu 2017 | |
Vietjet thành công khi làm thương hiệu | |
Big C Việt Nam đồng hành cùng thương hiệu Việt |
Nếu hỏi 10 DN rằng thương hiệu có quan trọng không thì chắc chắn có đến 9 DN trả lời rằng quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thì việc xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” sẽ là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, quá trình đi từ nhận thức đến hành động là cả một chặng đường dài.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, việc phát triển thương hiệu mới chỉ được một số DN lớn quan tâm và đầu tư, còn phần lớn các DNNVV hiện nay đều chưa chú trọng. Nguyên nhân là DNNVV đang chiếm tới 97% tổng số DN Việt Nam và họ đang bị mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, thương hiệu “xanh”. Cũng bởi phần lớn là DNNVV nên họ rất khó khăn về vốn, công nghệ và nhân lực. Đây là những rào cản không nhỏ để DN thực hiện chiến lược “xanh”.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên khi nhìn rộng ra, ngay cả với một số DN quy mô tương đối lớn thì vấn đề xây dựng thương hiệu gắn bảo vệ môi trường cũng không phải dễ dàng để theo đuổi. Với CTCP Traphaco, tuy không phải là DN nhỏ nhưng theo bà Đào Thúy Hà, Trưởng phòng Marketing cho biết, chi phí để thực hiện phát triển xanh cũng là một vấn đề lớn, để xây dựng thành công được như hiện nay thì DN đã phải rất nhất quán theo đuổi. “Câu chuyện tạo sản phẩm xanh sẽ đắt, chi phí cao, đồng thời cần có sự nỗ lực của DN”, bà Hà chia sẻ.
Đặc biệt, đối với việc xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” chính là quá trình xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Song ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng chất lượng sản phẩm từ hàng tiêu dùng, thực phẩm cho đến các loại dịch vụ, khi mới “ra lò” thì tốt nhưng sau đó chất lượng lại dần kém đi khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Nguyên nhân của tình trạng này được chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ giải thích là do kinh doanh của chúng ta chưa đúng với ý nghĩa của kinh tế thị trường hiện đại - uy tín luôn phải được bảo vệ và coi trọng hàng đầu. “Chúng ta nói được, hiểu được nhưng không làm được vì quá ham về lợi ích trước mắt. Nếu chỉ lo lợi ích trước mắt mà không giữ gìn thương hiệu thì sẽ mất lợi ích cuối cùng, đó là niềm tin của khách hàng”, ông Lưu Bích Hồ nêu quan điểm.
Nhưng dù tốn tiền, dù khó thì giới chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên cho DN là phải lựa chọn tăng trưởng xanh, thương hiệu xanh bởi đây là xu hướng tất yếu. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trên thế giới không có mấy nước đang phát triển ở trình độ thấp như nước ta đòi hỏi có phát triển nhanh. Tuy nhiên, nếu không quan tâm ngay từ đầu đến sự phát triển xanh thì chúng ta sẽ phải trả giá, khi lợi ích từ tăng trưởng có thể không bù đắp được thiệt hại về môi trường.
“Trung Quốc đã phải trả giá về phát triển không xanh. Không khí các thành phố lớn của Trung Quốc đều ô nhiễm nặng. Mất an toàn thực phẩm diễn ra tràn lan… Do vậy, DN Việt Nam cần xem phát triển xanh, tiêu dùng xanh, hưởng thụ xanh… là quá trình phát triển bền bỉ, lâu dài thì mới thành công”, ông Lưu Bích Hồ dẫn chứng.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, chiến lược “xanh” là xu hướng tất yếu đã được các nước trên thế giới nói đến và bắt tay thực hiện từ cách đây 30 năm. Chiến lược “xanh” thực sự là vũ khí “mềm” để thương hiệu chiến thắng. Đó là sự chiến thắng của thương hiệu McDonald's khi có cả một chiến dịch phát triển thương hiệu (mọi thứ đều chuyển sang tiêu chí xanh như logo màu vàng truyền thống chuyển sang màu xanh, đóng gói bằng túi giấy thay vì túi polyme, thay đổi nguyên liệu đầu vào…).
Xu hướng này cũng đang được DN Việt Nam cập nhật rất nhanh, ví dụ như khu đô thị xanh Ecopark, Bóng đèn Điện Quang sử dụng năng lượng mặt trời... Đây sẽ là chiến lược dài hạn mà DN phải xác định đi theo. Chiến lược này cũng không thể thực hiện được trong một sớm một chiều, do vậy rất cần sự kiên trì, quyết tâm của những người làm chủ DN.