Xuất khẩu gạo Việt Nam đã chuyển dần từ lượng sang chất
Với thông điệp “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, các đại biểu, chuyên gia tại Hội nghị đã cùng nhau trao đổi và nhận định xu hướng toàn cầu về thương mại gạo, sản xuất lúa gạo trong năm 2018 và những năm tới. Đồng thời, nhận diện những cơ hội, thách thức cho sản xuất, xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, định hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực, trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 5-6 triệu tấn.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới gần 6 triệu tấn gạo, tăng 21% so với năm trước và thu về hơn 2,6 tỷ USD, tăng 22%. Gạo Việt Nam từ trong thơ ca “Hạt gạo làng ta” đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, Trung Quốc, các nước châu Phi, gạo Việt Nam đang hướng tới các thị trường tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Sản lượng lúa hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 43-45 triệu tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng, đạt hơn 23 triệu tấn năm 2017.
“Sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng cho biết, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu để xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sản xuất lúa gạo và thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Song với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất nhiều sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại gạo vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi gạo là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.