Xuất khẩu: Mừng và lo
Bức tranh thương mại quốc tế tiếp tục khởi sắc. Xuất khẩu đã gần cán đích, thậm chí kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt tới 223,72 tỷ USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước), vượt xa giá trị xuất khẩu của cả năm 2017 là 214,01 tỷ USD. Nếu duy trì tốc độ xuất khẩu như tháng vừa qua thì không chỉ mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% mà Quốc hội đề ra, ngay cả mục tiêu phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 10% của Bộ Công thương chắc chắn cũng sẽ vượt. Đặc biệt, do nhập khẩu tăng chậm hơn, chỉ đạt 130,06 tỷ USD trong 11 tháng qua, nên xuất siêu liên tục xác lập các kỷ lục mới, hiện đã lên tới 7,41 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần con số xuất siêu 3,17 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa |
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của xuất khẩu, xuất siêu trong tăng trưởng kinh tế năm 2018; trong việc cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán cũng như góp phần nâng cao quy mô dự trữ ngoại hối của quốc gia. Xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu lớn còn góp phần tích cực hỗ trợ NHNN trong việc ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tất cả những điều đó đã giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn như Moodys hay Fitch Ratings liên tục nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là một minh chứng rõ nét.
Tuy nhiên nhìn sâu vào bức tranh này, người ta vẫn thấy gợn lên không ít điều lo lắng. Đó là xuất khẩu và xuất siêu đang phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của khối này đạt tới gần 158,45 tỷ USD, chiếm tới 70,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có nghĩa khu vực kinh tế 100% vốn trong nước chỉ đóng góp chưa tới 30% vào kết quả xuất khẩu. Đáng chú ý, giá trị xuất siêu của khối này trong 11 tháng qua đạt tới 28,39 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 20,98 tỷ USD.
Thực tế này là rất đáng lo ngại. Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng, khu vực FDI cũng là một bộ phận của nền kinh tế trong nước, thế nhưng ai cũng hiểu dòng vốn FDI là không ổn định và luôn nhắm tới những nơi có lợi nhuận cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường hiện nay, việc dòng vốn FDI đảo chiều là vấn đề cần được tính tới. Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi mà cuộc chiến thương mại với Mỹ đang khiến không ít các Tập đoàn toàn cầu tính tới chuyện chuyển sản xuất ra khỏi nước này để tránh bị liên lụy. Vì lẽ đó, thành tích xuất khẩu, xuất siêu có được hiện nay cũng rất thiếu bền vững.
Tính bất định càng tăng cao khi mà xuất khẩu và xuất siêu hiện đang phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp FDI và một số ít mặt hàng chủ lực, như điện thoại của Samsung. Đơn cử kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện 11 tháng đạt tới 46,2 tỷ USD, chiếm tới 20,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn nhớ thời điểm tháng 5 tháng 6 năm nay, khi tốc độ sản xuất xuất khẩu của Samsung chậm lại đã ảnh hưởng không nhỏ kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chưa hết, do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa là rất thấp nên giá trị để lại cho nền kinh tế cũng là không lớn. Có lẽ cái được lớn nhất của các dự án FDI đến nay vẫn chủ yếu là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi mức độ lan tỏa từ khu vực FDI đến nền kinh tế còn rất yếu.
Nói như vậy để thấy, để xuất khẩu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, xuất siêu bền vững cần phải nhanh chóng thay đổi cả chiến lược xuất khẩu lẫn chiến lược thu hút FDI.
Đơn cử như chiến lược thu hút FDI phải có trọng tâm trọng điểm hơn, gắn chặt với quá trình cải cách, tái cơ cấu, gắn với Cách mạng công nghệ lần thứ 4 để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết doanh nghiệp nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn. Song song với đó cần hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận, kết nối với khu vực FDI để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh nghiệm thu hút FDI và chuyển hóa nguồn ngoại lực này nội lực của Hàn Quốc trước đây là rất đáng để học tập.