Xuất khẩu rau quả còn nhiều cơ hội
7 tháng, xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 17,8 tỷ USD | |
Tìm cửa rộng hơn vào thị trường thực phẩm Hàn Quốc |
Từ quả vải xuất khẩu
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến nay địa phương này đã cơ bản tiêu thụ hết vải quả vụ 2015-2016, số lượng lên tới trên 142.308 tấn. Trong đó, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Malaysia… đạt khoảng 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải lớn nhất. Theo thống kê tại các cửa khẩu, tổng lượng vải thiều xuất qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang khoảng trên 104.000 tấn…
Đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Australia |
Thông tin từ các DN xuất khẩu vải quả cho hay, các lô hàng xuất đi đều thuận lợi và được khách hàng đánh giá cao. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường dưới hình thức vải tươi đạt 9.355 tấn. Ngay ở các thị trường được đánh giá là khó tính như Mỹ, nhưng Công ty TNHH Ánh Dương Sao cũng đã xuất khẩu 2 lô bằng (2 tấn) vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt tiêu chuẩn GlobalGap, bằng đường hàng không.
Tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, CTCP xuất khẩu Đồng Giao cũng đã xuất khẩu 3 chuyến, khối lượng 5.000 tấn bằng đường hàng không. Riêng thị trường mới là Australia, sản lượng vải xuất khẩu cũng đã có bước tăng mạnh. Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, từ ngày 23-29/6 đã có hơn 10 tấn vải Lục Ngạn được xuất khẩu đi Australia…
Có được lượng xuất khẩu vải lớn trong vụ vừa qua, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, là do chất lượng vải thiều được nâng lên bởi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được nhân rộng. Toàn tỉnh có 12,56 nghìn ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (tăng 300 ha so với năm trước).
Riêng tại huyện Lục Ngạn, diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP là 158 ha, tăng gần 60 ha với 18 vùng được cấp mã số. Sản lượng vải được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt khoảng 1 nghìn tấn.
Có thể nói, từ thành công của quả vải Bắc Giang về xuất khẩu cho thấy, việc duy trì và đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng chinh phục các thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian qua. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với việc ký nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA... thì việc đảm bảo chất lượng là hết sức cần thiết.
Đến triển vọng cho rau quả Việt
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhờ việc áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn GlobalGAP, rau quả Việt Nam dần khẳng định được chỗ đứng và ngày càng tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Trái cây Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian qua là do chúng ta đã tích cực mở rộng nhiều diện tích rau quả đạt chuẩn VietGAP. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho rau quả Việt Nam được chấp nhận và khách hàng tin dùng”, ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc điều hành Công ty XNK Cao Thành Phát (Bình Thuận) cho biết, để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu, công ty đã hợp tác với nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; nhà máy đạt tiêu chuẩn về đóng gói của Mỹ.
Ngoài ra, công ty còn có bộ phận kiểm định chất lượng thường xuyên khi làm việc với nông dân cũng như tại nhà máy để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Vì vậy, thời gian qua công ty đã xuất khẩu một lượng lớn các mặt hàng rau quả như thanh long, bơ, vú sữa… tới rất nhiều thị trường nước ngoài.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,17 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam lớn nhất, trong những năm gần đây, rau quả Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Nhu cầu thị trường luôn đa dạng, từ bình dân đến cao cấp, từ dễ tính đến khắt khe. Điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào”, ông Nguyễn Văn Kỳ nhấn mạnh điều này khi nói về cơ hội vẫn còn rất rộng đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam.