Xuất khẩu thủy sản: Hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD
Xuất khẩu xác nhận kỷ lục mới, hơn 214 tỷ USD | |
Thủy sản xuất khẩu trước cơ hội phát triển |
Được mùa cá, tôm năm 2017
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị XK thủy sản tháng 12/2017 ước đạt 714 triệu USD, đưa khối lượng XK thủy sản năm 2017 ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu (NK) hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, chiếm 55,3% tổng giá trị XK thủy sản.
XK thủy sản năm 2017 ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2016 |
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, XK tôm năm nay duy trì tăng trưởng khá ổn định ở mức trên 21% dự kiến sẽ đạt 3,8 tỷ USD, XK cá tra ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm ngoái. XK cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016. XK các loại cá biển ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%. Các sản phẩm khác đều tăng trưởng mạnh, trừ XK cua ghẹ giảm gần 6%.
Đánh giá về các thị trường XK thủy sản trong năm 2017, theo Vasep, trừ thị trường Mỹ, Australia và Nga bị giảm nhẹ NK từ Việt Nam, các thị trường khác đều tăng trưởng mạnh. XK sang Mỹ giảm chủ yếu do XK cá tra sang thị trường này giảm 10%, đặc biệt giảm mạnh sau khi Mỹ chính thức áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn từ 1/8/2017, đồng thời XK tôm sang thị trường này cũng giảm 7,5% do thuế chống bán phá giá cao và giá trung bình NK giảm.
Cũng theo Vasep, kinh tế Nhật Bản có xu hướng phục hồi trong năm 2017, đồng yên tăng giá khiến nhu cầu NK tăng, tạo thuận lợi cho XK của Việt Nam, do vậy XK thủy sản sang thị trường này trong năm nay liên tục tăng trưởng 2 con số với tổng doanh số đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2016.
Thị trường EU không ổn định với cá tra do tác động của truyền thông bẩn từ đầu năm, bên cạnh đó thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam XK sang thị trường này cũng gây bất ổn cho hải sản Việt Nam trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, mặt hàng tôm vẫn tăng trưởng tốt tại thị trường EU với 44% và dự kiến sẽ là sản phẩm bù đắp cho sụt giảm 2 mặt hàng còn lại trong thời gian tới.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường NK cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị NK 420 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức tốt khâu sản xuất, làm tốt khâu thị trường, vượt qua được rào cản kỹ thuật, cùng với sự nỗ lực của nông ngư dân, sự hoạt động năng động của DN. Ngành thủy sản năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Những mục tiêu mới cho ngành thủy sản
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, khác với mục tiêu XK ngành đặt ra ban đầu là khoảng 8,5 tỷ USD trong năm 2018, nhưng thời điểm hiện tại, ngành thủy sản chính thức đặt ra mục tiêu XK đạt con số 9 tỷ USD. Con số này nhằm đạt mục tiêu XK toàn ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là 40 tỷ USD. Nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản rất nặng nề.
Đánh giá về tiềm năng XK của thủy sản trong năm 2018, ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tôm và cá tra là 2 nhóm sản phẩm tiềm năng mà chúng ta cần hết sức quan tâm để đảm bảo đạt được mục tiêu XK ngành thủy sản đặt ra cho năm nay.
Trong đó, đối với con tôm, ông Như Văn Cẩn chia sẻ, Tập đoàn thủy sản Minh Phú hiện nay đang tiên phong đề xuất hai dự án, xây dựng hai khu công nghệ cao về thủy sản tại Kiên Giang và Vũng Tàu với công suất 60-80 nghìn tấn và kim ngạch dự kiến XK 750 triệu - 1 tỷ USD. DN sẽ dẫn đầu trong khâu kết nối với thị trường XK.
Đối với vùng nuôi, đối với các DN đầu tàu cần nhấn mạnh nhóm nuôi thâm canh, siêu thâm canh và khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với diện tích nuôi tôm quảng canh cần khuyến khích nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng, tổ chức lại sản xuất theo chương trình tái cơ cấu.
Đối với cá tra hiện nay đang được giá cao, thời điểm hiện tại DN đang bán với giá 31 nghìn đồng/kg nguyên liệu. Năm 2017, cả khâu giống, chế biến, XK Việt Nam đều làm tốt. Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì chất lượng để không bị tụt giá. Trong kế hoạch giải pháp với nhóm này, một là kiểm soát chặt tất cả các điều kiện khâu nuôi, giống, chế biến.
Thứ hai, sẽ tiếp tục phát triển thị trường nội địa để có đầu ra ổn định. Đồng thời, hiện điểm yếu nhất của cá tra là chất lượng con giống. Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo phê duyệt đề án ba cấp về giống cá tra từ khâu bảo quản, liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao…
Trong lĩnh vực khai thác, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chúng ta sẽ không tăng sản lượng khai thác và không tăng thêm số tàu khai thác nhưng cần tăng chất lượng của tàu khai thác thủy sản và chất lượng của thủy sản đánh bắt được, đảm bảo giá trị sản xuất tăng lên.
Bên cạnh đó, cần giảm sản lượng khai thác ven bờ, tăng sản lượng đánh bắt xa bờ. Hiện nay, sản lượng khai thác ven bờ chiếm 47%, xa bờ là 53%, trong khi đó tàu cá xa bờ chiếm 32%, ven bờ chiếm 68%…
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để thực hiện được mục tiêu đề ra, những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay là hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2017; hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm 2017 sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.