Agribank Tiên Lãng - điểm tựa vững chắc cho khách hàng
Đầu năm 2024 Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn hỗ trợ khách hàng Agribank nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh Đổi mới tạo đà cho những bứt phá |
Năm 2023, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn thách thức nhiều hơn so với dự báo. Kinh tế - xã hội trong nước chịu tác động của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm; khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của các doanh nghiệp còn hạn chế và bị bào mòn; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương… Trong bối cảnh đó, bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank Hội sở chính, Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, mở rộng phát triển.
Với lợi thế có người làm trong ngành thủy sản, anh Phạm Văn Nhiêu ở thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng theo nghề nuôi cá đến nay đã hơn 30 năm. Lập gia đình năm 1991, sau đó anh Nhiêu và vợ là chị Ngô Thị Lụa mạnh dạn vay Agribank 10 triệu để mua cá giống về nuôi. Trải qua không biết bao khó khăn, vất vả, đến nay anh Nhiêu là người đầu tiên ở Tiên Lãng nuôi cá tầm. Với 128 lồng cá tầm, riêng tiền thức ăn cho cá ít nhất cũng 40 triệu/ngày nên bên cạnh nguồn vốn gia đình tích cóp, anh Nhiêu vay thêm tiền từ ngân hàng. Dư nợ của vợ chồng anh tại Agribank Tiên Lãng là 12 tỷ đồng. Cơ sở của anh hiện có 22 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập người mới vào làm là 6 triệu đồng, người cao nhất là 15 triệu đồng. Với giá cá tầm hiện nay là 220 nghìn đồng/kg, dự kiến tới Tết Nguyên đán, anh chị cũng thu về khoản lợi không nhỏ.
Giám đốc Agribank chi nhánh Tiên Lãng Nguyễn Thị Thơm phấn khởi trước thành quả của khách hàng |
Để có được thành quả trên, trong quá trình kinh doanh anh cũng trải qua không ít sóng gió. Gần đây nhất là năm 2023, anh mở rộng sản xuất, đầu tư thêm các trang trại nuôi cá tại Cao Bằng và Hà Giang. Lứa cá đang phát triển thuận lợi, chờ ngày thu hoạch thì trận lũ quét đột ngột tại Bắc Quang làm anh không kịp trở tay. Trong chớp mắt, hàng trăm tấn cá tầm của gia đình anh bị dòng nước dữ cuốn trôi phăng, bị ngạt nước bùn đất, chết nổi trắng mặt đất. Anh Nhiêu kể, taluy dương sạt khiến đất, đá trượt xuống mương dẫn nước làm nước tràn vào 65 bể ươm cá giống, 10 bể nuôi cá thương phẩm, trong đó, 30 bể bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn; ước thiệt hại trên 36.000 cá giống và cá thương phẩm. 0,22 ha nuôi thủy sản trong trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nhiêu phút chốc tan hoang. Các ao cá tầm, cá hồi bị phá vỡ hoàn toàn, cá thương phẩm và cá giống bị cuốn trôi không thể thu hồi, tính riêng trang trại này, anh đã thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
Qua theo dõi sát tình hình của khách hàng, ngay sau sự việc xảy ra, Agribank đã tiếp cận hỗ trợ giảm lãi cho anh chị. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự quan tâm đồng hành cùng khách hàng của các cán bộ Agribank giúp cho anh Nhiêu sớm vượt qua khó khăn và bắt tay vào làm lại từ đầu.
Sau này, dù nhiều ngân hàng chào mời nhưng anh Nhiêu nhất định chỉ vay vốn tại Agribank chi nhánh Tiên Lãng bởi nơi đây luôn là điểm tựa vững chắc đối với gia đình anh cũng rất nhiều bà con trên địa bàn.
Cũng như vậy, anh Hoàng Văn Thuấn, Giám đốc Hợp tác xã Thuấn Lanh ở thôn Kim Đới, xã Tiên Thanh cũng gắn bó với Agribank từ những ngày đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản. Anh kể, năm 2013, anh mạnh dạn vay 400 triệu đồng để kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Sau đó 3 năm, anh chị thành lập Hợp tác xã, chăn nuôi gà thịt và trồng rau củ sạch. Hơn 800 hộ nông dân là đối tác liên kết của hợp tác xã, người nông dân bỏ ruộng, bỏ công chăm sóc, hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con với các mặt hàng ớt, dưa chuột bao tử, cà chua, khoai tây. Chỉ tính riêng ớt, chi phí sản xuất khoảng 7 nghìn/kg, với giá bán hiện nay khoảng trên 40 nghìn đồng, một sào cho thu hoạch 7-8 tấn ớt loại A, lợi nhuận thu về cho một sào ớt là trên 20 triệu đồng. Hợp tác xã Thuấn Lanh cũng đang đầu tư gia công 50 trang trại gà thịt, tổng số gà thịt là hơn 43 vạn con. Ở người nông dân này, còn điều đáng quý hơn nữa đó là trách nhiệm và sự chia sẻ lợi ích với bà con nông dân, giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nhờ có đồng vốn Agribank, Hợp tác xã Thuấn Lanh ngày càng phát triển |
Tuy nhiên, nông nghiệp vốn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Vì vậy, giống như anh Nhiêu, gia đình anh Thuấn cũng trải qua thời điểm điêu đứng bởi giá gà xuống dốc kỷ lục. Từ cuối năm 2022 đến tháng 8/2023, giá gà giảm và dao động ở mốc 32.000-38.000 đồng/kg, và điều khiến anh lo lắng là dù giá đã rất rẻ mà vẫn không thể xuất bán. Cuối cùng, không thể giữ gà chờ giá, anh cho xuất chuồng đàn gà mỡ màng, con nào con nấy đều tăm tắp, với trên 43.000 con, chịu thua lỗ gần 13 tỷ đồng. Trong lúc khó khăn, vợ chồng anh Thuấn đã nhanh chóng được ngân hàng giảm lãi, cơ cấu lại khoản vay. Vì vậy, dù có khó khăn, nhưng anh chị vẫn chưa ngày nào nợ tiền lãi ngân hàng cũng như tiền hàng của bà con. “Nếu không có Agribank thì chắc chắn tôi cũng không thể làm được gì cho mình, chứ nói gì đến người khác”, anh Thuấn bày tỏ.
Có thể nói, sự tận tâm, tận tình đồng hành với người nông dân của cán bộ ngân hàng đã giúp Agribank Tiên Lãng được bà con gắn bó lựa chọn khi cần có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hiện tại, dư nợ tại Agribank Tiên Lãng là 1.732 tỷ đồng với trên 2.500 khách hàng và gần 3.000 món vay, tăng 166 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 10,6% so với năm 2022, hoàn thành 101,3% kế hoạch giao. Nguồn vốn của Agribank Tiên Lãng chiếm 55% thị phần đầu tư trên địa bàn huyện. Đặc biệt, chất lượng tín dụng của Agribank luôn được bảo đảm, nợ quá hạn chỉ có trên 700 triệu đồng, giảm 1,9 tỷ đồng so với đầu năm; chiếm tỷ lệ 0,04% tổng dư nợ nội bảng, thấp hơn kế hoạch thành phố giao.
Có được kết quả trên, Giám đốc Agribank chi nhánh Tiên Lãng Nguyễn Thị Thơm cho biết, ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con nông dân từ huy động vốn, chuyền tải vốn. Trong thời gian qua, chi nhánh bám sát tình hình hoạt động kinh doanh của bà con nông dân trên địa bàn để đưa ra các giải pháp phù hợp. Đơn cử, các cán bộ tín dụng phải theo sát diễn biến giá thu mua nông sản như giá gà, cá… để kịp thời chia sẻ khó khăn hỗ trợ bà con nông dân. Cùng với đó, các cán bộ Agribank còn giúp người nông dân làm quen với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; giờ đây, ở chợ dân sinh, 80% bà con tiểu thương đã dùng mã QR trong thanh toán, nhiều người nông dân Tiên Lãng cũng đã biết livestream bán hàng online tới khách hàng toàn quốc.
Chị Thơm luôn tâm niệm rằng, khách hàng có phát triển, ngân hàng mới hoạt động tốt được. Đó cũng là lý do mà trong nhiều năm nay, Agribank chi nhánh Tiên Lãng luôn là lá cờ đầu không chỉ tại thành phố Hải Phòng mà trên toàn quốc.