Bánh trung thu ‘rởm’ vào mùa
Cẩn trọng với bánh trung thu ‘rởm’
Dịp gần Tết Trung Thu năm nay, giống như các năm trước, nhiều thương hiệu tên tuổi sản xuất bánh trung thu trong nước đã tung ra các sản phẩm với mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Điều đáng nói, cùng với sự đa dạng về mẫu mã của các thương hiệu uy tín lâu năm, nhiều hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng đã len lỏi, gây nhiều hệ luỵ khó lường đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Mới đây, qua công tác thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, tổ chức kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng Phương Lê, địa chỉ 34 Hoàng Diệu và Cửa hàng Tu Ti Fruit shop, địa chỉ 10 Lê Duẩn thuộc quận Hải Châu. Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện và tạm giữ gần 150 đơn vị sản phẩm là mặt hàng bánh các loại là hàng hóa nhập lậu, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá.
Tương tự, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Gia Lai vừa tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của bà B.T.T.H, trên địa bàn xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà H. đang kinh doanh 3.200 chiếc bánh trung thu các loại, đóng kín trong bì nylon, trên nhãn bì ghi chữ tượng hình, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số bánh trung thu trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên.
Lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng phát hiện các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ... |
Mới đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 3, thuộc Cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Thị Ng. tại địa chỉ số 108 đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại hộ kinh doanh Lê Thị Ng. bày bán hàng hóa 100 hộp bánh dẻo hoa quả, 300 chiếc bánh hạt dẻ nướng, 15 thùng bánh dẻo đóng thùng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh này 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm...
Nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc
Có thể nói, càng gần dịp tết trung thu các vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đang có xu hướng tăng lên. Trong đó, nổi lên là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại khu vực miền Trung cũng như cả nước, các đơn vị chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, vừa kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở, đối tượng vi phạm.
Trong đó, tại TP. Đà Nẵng Cục Quản lý thị trường thành phố, đã xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và đồ chơi trẻ em năm 2023 trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để kinh doanh, buôn bán mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc được rao bán trên các trang mạng xã hội. |
Song song, với việc lực lượng chức năng đang tăng cường các biện pháp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn với bánh trung thu ‘rởm’, thi các ‘thượng đế’ cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ. Cụ thể, khi lựa chọn các sản phẩm bánh trung thu, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như, trên sản phẩm có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ các nội dung về thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cụ thể...
Theo đại diện, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, để lựa chọn thực phẩm, bánh kẹo, bánh trung thu an toàn, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí như: Thông tin trên bao bì sản phẩm phải có tên, địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; có ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… Bánh kẹo, thực phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì nguyên vẹn không bị rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, không bị mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ;
Thực phẩm phải được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Đặc biệt, người tiêu dùng tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng hóa không có nhãn mác.