Bộ Xây dựng muốn "hạ nhiệt" thị trường bất động sản bằng thuế
Thách thức trong quá trình triển khai 3 luật mới liên quan đến bất động sản Tín dụng bất động sản nhìn từ khung giá đất mới Bảng giá đất mới kéo theo giá nhà tăng |
Tình trạng nhà hoang, khu đô thị hoang không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội. |
Nhiều căn biệt thự triệu đô sau hàng chục năm vẫn bỏ hoang
Từ đầu tháng 8, liên tiếp nhiều phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội hút lượng lớn người tham gia với hàng nghìn hồ sơ đăng ký. Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 (gấp 18 lần mức khởi điểm).
Tuy nhiên, ở khu vực phía Tây của huyện này hiện có hàng loạt dự án với hàng nghìn biệt thự, liền kề bỏ hoang.
Nằm trên đường quốc lộ 32, khu đô thị Lideco tại thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2007, hoàn thành năm 2013. Mặc dù dự án đã xây dựng xong từ nhiều năm, nhưng hiện nay, chỉ có số ít căn biệt thự, nhà liền kề có người sinh sống, số còn lại vẫn bị bỏ hoang, không có người ở.
Một môi giới bất động sản cho biết, có những thời điểm những căn nhà biệt thự, liền kề khu đô thị Lideco nằm ở mặt đường rộng 30m có mức giá lên tới 105 – 120 triệu đồng/m2. Với diện tích 250-300 m2, giá bán có thể lên đến 25-37 tỷ đồng một căn. Hiện có hàng trăm nhà biệt thự, liền kề đang bị bỏ hoang rải khắp khu vực dự án. Thậm chí, nhiều căn biệt thự có vị trí rất đẹp, hướng nhìn ra hồ điều hòa cũng đều chưa có người chuyển về sinh sống.
Một số khu đô thị phía Nam cũng gặp phải tình cảnh đó. Nhiều khu đô thị ở tỉnh Đồng Nai với hàng loạt các cụm nhà biệt thự, căn hộ cao cấp… được xây dựng hoàn chỉnh nhưng lại đang bỏ không lãng phí do thưa vắng người dân đến sinh sống.
Được biết, Khu đô thị mới Nhơn Trạch ở huyện Nhơn Trạch rộng hàng trăm hécta được đầu tư khá nhiều tiền của để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, nhưng đến nay sau hơn 20 năm vẫn trong tình trạng hoang vắng, nhiều khu dân cư bỏ không, rất ít người dân sinh sống tại đây...
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng nhà hoang, biệt thự hoang, khu đô thị hoang ngày càng nhiều. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội, khi phần lớn nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục rơi vào tay những người dư dả tài chính.
Những người này sở hữu một vài thậm chí là hàng chục, hàng trăm bất động sản nhưng để hoang, ôm đất, nâng giá dẫn đến khả năng tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu thực ngày một hạn chế.
Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án bất động sản tận dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán bất động sản cao, với mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản.
Một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản nhiễu loạn thông tin thị trường để “thổi giá”, “tạo giá ảo”... và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thao túng tâm lý, lôi kéo đầu tư theo tâm lý đám đông để trục lợi.
Cơ bản chủ đầu tư các dự án nhà ở dành trung bình khoảng 3% giá bán sản phẩm trả cho bên sàn giao dịch, môi giới để bán hàng. Tuy nhiên, bên sàn giao dịch, môi giới thường tuỳ theo tình hình thị trường để cộng thêm giá khi giao dịch với khách hàng. Các dự án có ít sản phẩm mà nhiều khách hàng quan tâm thường người mua phải trả thêm tiền so với giá trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, gọi là “tiền chênh".
Số “tiền chênh” này không cố định mà tùy thuộc vào sức nóng của thị trường, của dự án và thỏa thuận của bên môi giới với khách hàng, có thể ở mức 5% giá bán, thậm chí 10% hoặc 20%. Ví dụ, một dự án nhà ở thấp tầng ở tỉnh Hưng Yên, các căn nhà bán ra với giá khoảng 7 - 8 tỷ đồng/căn thì khách hàng phải trả tiền chênh trung bình khoảng 750 triệu, tương đương 10%; nhưng khi dự án nhiệt thì “tiền chênh” này cũng giảm xuống khoảng 250 triệu đồng, thậm chí nhiều sàn chấp nhận bán không có “tiền chênh”.
Trong giai đoạn sốt nóng của thị trường, nhiều môi giới còn sử dụng cách“đặt cọc” để mua nhà ở, đất ở của người bán rồi tăng giá 10% - 15% và giao bán cho người khác. Ví dụ, căn hộ chung cư có giá bán 5 tỷ, bên môi giới đặt cọc 1 tỷ để mua và thỏa thuận thanh toán trong 01 tháng; trong vòng 01 tháng này, bên môi giới sẽ kiếm khách để bán chênh thành 6 tỷ - 7 tỷ.
Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp cho thấy, chính các hoạt động này của một số hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư và các cá nhân môi giới bất động sản cũng là một phần nguyên nhân làm tăng giá bất động sản nhà ở, đất ở trong thời gian qua.
Trước hiện tượng đầu cơ bất động sản và giá nhà tăng phi mã, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế bất động sản để ổn định thị trường. Trong đó, Bộ yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế...
Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng. Tại họp báo của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất này của Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính ghi nhận và nghiên cứu chính sách tài chính về thị trường bất động sản, đất đai góp phần đảm bảo minh bạch.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua. Đánh thuế bất động sản hiệu quả và minh bạch, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản.