Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản năm 2020 dự báo tiếp tục suy giảm
Thị trường bất động sản trong quý: Đối mặt với phép thử mạnh | |
Bất động sản: Biến thách thức thành cơ hội trước Covid-19 |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản những tháng tiếp theo của năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn và tiếp tục suy giảm, khi cả lượng giao dịch và nguồn cung sản phẩm đều giảm mạnh.
Cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho bất động sản khoảng 104.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel, nhà ở tái định cư xây dựng xa trung tâm.
Tính đến hết quý I/2020, giá bất động sản tại một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển có biến động, tuy nhiên mức độ biến động không lớn.
Cụ thể, tại TP. Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019; đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019; đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, trong năm 2019 có xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại một số địa phương, tình trạng xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán. Tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, trước tình hình giao dịch đất nền nêu trên, các tỉnh, thành phố đã có những biện pháp tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm quy định pháp luật; công khai thông tin quy hoạch, các khu vực, các dự án chưa đủ điều kiện để người dân biết tránh bị lừa đảo, ổn định thị trường đất đai.
Cũng theo Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM, đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện nay, thị trường đang dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel...) chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.
Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định, bền vững.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 để trình cấp có thẩm quyền ban hành dự kiến trong năm 2020-2021, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ hoặc thu hồi dự án.