Cấp bách xây dựng mã số vùng trồng
Còn ít diện tích được cấp mã số vùng trồng
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), tính đến hết tháng 4/2021, cục đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây (bao gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít và chuối) cho 48 tỉnh để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226,13 ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước.
Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất (1.703 mã) cho 9 loại trái cây và thạch đen. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với 575 mã vùng trồng cho 6 loại trái cây sang thị trường này. Đây cũng là thị trường có yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Tất cả các vùng trồng đều được cán bộ kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ trực tiếp kiểm tra hàng năm và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã riêng (mã IRAD).
Không kiểm soát tốt mã số vùng trồng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam |
Tương tự như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là yêu cầu bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các cơ sở này được phân bố ở 37 tỉnh trong toàn quốc. Trong số mã đã được cấp, số lượng mã số cơ sở đóng gói cấp cho sản phẩm xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 97% (1.776 mã số). Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đóng gói nông sản xuất đi Trung Quốc mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, đóng gói theo mùa vụ.
Số lượng các loại mã số cơ sở đóng gói đi các thị trường khác là hơn 50 mã số cho 6 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa). Hầu hết các cơ sở đóng gói này đều có các khu xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ; cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV nhận định, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ riêng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã có số lượng nhà đóng gói là 862, chiếm tới 91,7% tổng số của toàn vùng; trong khi một số tỉnh lại có rất ít nhà đóng gói được cấp mã số như Cà Mau, Trà Vinh, mỗi tỉnh chỉ có 1 nhà đóng gói, Kiên Giang và Sóc Trăng chưa có nhà đóng gói nào được cấp mã số. Điều này cho thấy các địa phương còn chưa quan tâm đến việc cấp mã số cho nhà đóng gói, trong khi đây là một đầu mối quan trọng trong việc kiểm soát chuỗi sản xuất nông sản.
Vẫn xảy ra tình trạng mạo danh
Năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 mã), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã). Đây là một tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lộc (Tiền Giang) chia sẻ, một số địa phương trong vùng xoài Hòa Lộc còn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Bên cạnh đó, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu…
Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Nguyên nhân chính của tồn tại này là do tình trạng doanh nghiệp đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp. Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chỉ triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu, theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu… ông Hoàng Trung chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thực kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý Nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu. Cục BVTV hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp.
Đối với HTX, cần chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các HTX đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản. Kết hợp cấp mã số vùng trồng với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói, hạn chế được tối đa tình trạng “mượn” mã số vùng trồng để xuất khẩu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, các địa phương còn cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Đưa chỉ tiêu về phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào mục tiêu cụ thể của các kế hoạch hành động, nghị quyết sản xuất của địa phương, ông Hoàng Trung đề xuất.