Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 là cần thiết
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng tăng tốt cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực | |
Gia hạn Nghị quyết 42 là giải pháp cấp bách |
Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua theo Nghị quyết đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa |
Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, có thể gây tác động tiêu cực đến thu nhập của cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả thời gian qua.
Hiệu quả tích cực
Trước đó, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Đồng thời nhấn mạnh, từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế; đóng góp quan trọng vào kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, nợ xấu được xử lý của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây.
Các cơ chế tại Nghị quyết cũng đã tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá thị trường, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của VAMC đạt kết quả cao hơn so với giai đoạn trước (từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 120.738 tỷ đồng, gấp 1,9 lần giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021), từ đó bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.
Quan trọng hơn, cùng với ngành Ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức từ khi Nghị quyết có hiệu lực. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, nợ xấu đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%, trong đó nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết (như xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, DATC và các tổ chức, cá nhân khác...); đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích ảnh hưởng của việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 đối với công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, đánh giá thêm về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Ngoài ra, đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Hóa giải khó khăn, vướng mắc
Về khó khăn, vướng mắc, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Báo cáo số 358/BC-CP ngày 5/8/2020 về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42, Chính phủ đã nêu 11 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Ủy ban Kinh tế cũng đã có Báo cáo số 2321/UBKT14 ngày 23/10/2020 đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết, trong đó đã kiến nghị một số nội dung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay tại Báo cáo số 54, Chính phủ tiếp tục nêu 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc, giảm 5 nhóm vấn đề so với trước đây nhưng tăng thêm 2 nội dung vướng mắc thuộc 6 nhóm vấn đề trên.
“Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, ngoài vướng mắc liên quan đến đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu đã được xử lý theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc khác, bao gồm cả các vấn đề đã nêu tại 2 báo cáo của Chính phủ, đến nay các TCTD và các cơ quan liên quan vẫn tiếp tục kiến nghị xử lý (bao gồm các khó khăn, vướng mắc về: mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; quyền thu giữ TSBĐ; thủ tục rút gọn; xử lý TSBĐ là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; phối hợp trong công tác thi hành án dân sự). Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về nguyên nhân chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc cũng như thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế tại Báo cáo số 2321/UBKT14”, ông Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Đồng thời, ông cho biết: Qua các báo cáo và kết quả làm việc với các cơ quan liên quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy còn những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến: Thứ nhất, việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết chưa thực sự đạt hiệu quả, nhất là đối với các khoản nợ xấu phát sinh trước thời điểm 15/8/2017 do hầu hết các hợp đồng bảo đảm được ký trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực không quy định trực tiếp nội dung về thỏa thuận thu giữ TSBĐ, dẫn đến tỷ lệ thu giữ thành công còn chưa cao.
Thứ hai, một số nội dung tại Nghị quyết chưa được hướng dẫn đầy đủ, chưa thống nhất hoặc khó triển khai. Thiếu một số hướng dẫn cụ thể về: Phương pháp thẩm định giá đối với các khoản nợ, làm cơ sở triển khai quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết; Trường hợp trên/trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba (các đồ gia dụng, điện tử, giường tủ…); chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác hoặc xử lý TSBĐ là tài sản duy nhất của bên bảo đảm để triển khai quy định tại Điều 7 của Nghị quyết; Nội hàm quy định về“Tài sản tranh chấp trong vụ án” tại điểm d khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết; Nội hàm quy định “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” quy định tại Điều 14 của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân (Nghị quyết số 03) còn có khó khăn cho TCTD do hầu hết các khoản nợ khó đáp ứng đầy đủ các quy định để được áp dụng thủ tục này. Mặt khác, bên nợ, bên bảo đảm thường cố tình tạo ra các tình tiết mới để không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. Do đó, nhiều trường hợp đang trong quá trình xem xét nhưng phải chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường; đến nay, hầu như chưa có TCTD nào được áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều này.
Cùng với đó, việc hướng dẫn triển khai quy định tại Điều 12 của Nghị quyết về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ còn chưa thống nhất và chưa đúng tinh thần của Nghị quyết số 42. Theo quy định tại Điều 12, “số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại hướng dẫn về thu thuế theo Nghị quyết số 42 theo Công văn số 5477/BTC-TCT ngày 14/5/2019 như sau: “TCTD thỏa thuận đối với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong quá trình xử lý TSBĐ theo nội dung Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ”.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng có Công văn số 2004/TCTHADS-NV1 ngày 3/7/2019 hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng theo đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Do vậy, trong quá trình triển khai, nhiều TCTD vẫn phải nộp thuế hoặc án phí làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhất là khi số tiền xử lý TSBĐ không đủ thu hồi nợ…
Ngoài ra, có một số vấn đề cần thiết trong thực tiễn để thúc đẩy xử lý nợ xấu nhưng chưa được quy định trong Nghị quyết, như: các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ tương đối đa dạng nhưng không được thực hiện quyền thu giữ TSBĐ cũng như các quyền khác tại Nghị quyết (hiện chỉ có VAMC được thực hiện); tại Điều 8 chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay, trong khi tranh chấp của các khoản nợ xấu tại các TCTD hầu hết là tranh chấp về hợp đồng tín dụng; tại Điều 14 mới chỉ quy định hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự mà chưa quy định đối với TSBĐ là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính, chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân khách quan của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 xuất phát từ những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 làm giảm tốc độ xử lý nợ xấu từ năm 2020 đến nay. Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan như nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác với TCTD hoặc trốn tránh trong quá trình xử lý thu hồi nợ; một số TCTD chưa tuân thủ đúng quy định tại Nghị quyết số 42 hoặc chưa phối hợp tốt với cơ quan liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa kịp thời, nhất quán; quá trình điều tra, truy tố của cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến tài sản của tổ chức, cá nhân thường kéo dài; việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của TCTD...
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.