Chuyển đổi số: Phải lấy người dân làm trung tâm
Xin ông cho biết kết quả hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng sau gần hai năm triển khai Quyết định số 810/QĐ-NHNN?
Trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành Ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0. Triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau gần 2 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét.
Về hành lang pháp lý, NHNN đã nghiên cứu ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số như: Ban hành hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ ngân hàng, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; Trình Chính phủ phê duyệt Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tạo thuận lợi cho việc liên thông, kết nối; giảm phí dịch vụ thanh toán (giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19) để khuyến khích người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn cho vay tiêu dùng đối với cá nhân bằng phương thức điện tử... Hiện, NHNN đang hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox); rà soát, sửa đổi Luật Các TCTD dự kiến bổ sung các quy định để triển khai chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số.
Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; NHNN chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Số liệu đến cuối năm 2022 so với năm 2021 cho thấy, tổng số lượng giao dịch nội tệ qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng trên 29,9% về giá trị giao dịch; Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch tài chính tăng 114,9% về số lượng và gần 96% về giá trị giao dịch; số lượng ATM trên toàn thị trường đạt hơn 21.000 máy, số lượng POS đạt hơn 410.000 máy. Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam cũng đã thực hiện kết nối song phương thanh toán QRcode với Thái Lan. Hiện đang triển khai kết nối thanh toán với Campuchia và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng với các nước khác.
Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã được nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài Ngành; độ phủ thông tin tín dụng theo báo cáo của WB là 59,4% trên tổng dân số trưởng thành, tỷ lệ tự động hóa cung cấp thông tin đạt 87%.
Công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, NHNN liên tiếp được xếp hạng A về công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Về phát triển sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, thân thiện được cung ứng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị); 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động; hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt 1.268 tỷ đồng. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Quyết định 810 của NHNN ban hành năm 2021 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% quyết định giải ngân cho vay với các khoản vay giá trị nhỏ được thực hiện trực tuyến tự động. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi mục tiêu này?
Từ thời điểm ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN đến nay, NHNN đã luôn chủ động nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có “ít nhất 50% quyết định giải ngân cho vay đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động” là một mục tiêu quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của NHNN trong triển khai Kế hoạch.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai và trên cơ sở các điều kiện thực tiễn hiện nay, tôi cho rằng việc đạt được mục tiêu này vào năm 2025 là tương đối khả thi vì các lý do:
Thứ nhất, có thể thấy, thời gian qua các TCTD đã và đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các công nghệ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... trong quy trình chấm điểm, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Thực tế, trong khoảng 1 năm gần đây cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang thử nghiệm, triển khai sản phẩm dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến cho khách hàng cá nhân và đã nhận được ủng hộ vì sự tiện lợi, nhanh chóng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ.
Thứ hai, NHNN đã và đang quan tâm rà soát, sửa đổi bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai cho vay bằng phương thức điện tử. Dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có nội dung quy định, hướng dẫn về cho vay bằng phương thức điện tử. Đồng thời, NHNN cũng đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó cũng sẽ dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay để đáp ứng nhu cầu cho vay giá trị nhỏ bằng phương tiện điện tử.
Thứ ba, triển khai Đề án 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/4/2023 vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể; trong đó có nhiệm vụ của Bộ Công an (C06) về xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng và công bố thông tin điểm này tới các TCTD để nghiên cứu, xem xét triển khai theo nhu cầu. Đây sẽ là một trong các nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để TCTD xác minh khách hàng và phục vụ đánh giá, ra quyết định giải ngân cho vay bằng phương thức điện tử.
Ông có thể cho biết rõ hơn về những giải pháp ngành Ngân hàng đã triển khai Đề án 06 và các kết quả đạt được?
Thời gian qua, NHNN là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương về tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06. Một số giải pháp ngành Ngân hàng đã triển khai cụ thể như sau:
Một là, Thống đốc NHNN đã thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 (Quyết định số 170/QĐ-NHNN) và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 (Quyết định số 171/QĐ-NHNN) giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch nhiệm vụ chi tiết từng năm (Quyết định số 264/NHNN).
Hai là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị NHNN và các đơn vị thuộc Bộ Công an. Ngày 24/4/2023, Thống đốc NHNN và Lãnh đạo Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.
Ba là, công tác hoàn thiện thể chế và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo được quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cụ thể, NHNN đã rà soát, sửa đổi Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân, không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (tại Thông tư 01/2023/TT-NHNN ngày 01/3/2023); NHNN đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, trình Chính phủ và hiện đang hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của các TCTD để cho phép các TCTD triển khai cho vay qua các phương tiện điện tử thông qua xác thực, định danh khách hàng điện tử. Triển khai Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai tại NHNN và có một số văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai như: Công văn số 7262/NHNN-TT ngày 17/10/2022 về việc nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong một số hoạt động ngân hàng; Công văn số 1652/CNTT8 ngày 02/11/2022 về việc triển khai Nghị định 59/2022/NĐ-CP trong hoạt động ngân hàng; Công văn số 541/CNTT8 ngày 13/04/2023 về việc hướng dẫn kiểm tra ứng dụng VNeID và các thông tin giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID; Công văn số 540/CNTT8 ngày 13/04/2023 hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện đảm bảo kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử...
Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên đã gặt hái một số kết quả tích cực. Đó là Dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ ngày tháng 12/2022. NHNN (CIC) đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng.
Về phía các TCTD, năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố. Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card – MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023; BIDV cũng đã hoàn thành 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chip khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy…
Một số TCTD như Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Dữ liệu dân cư chỉ thật sự có giá trị khi được chia sẻ, kết nối, khai thác một cách hiệu quả. Ông có thể cho biết, kế hoạch cụ thể của NHNN trong việc khai thác dữ liệu dân cư hiệu quả, an toàn, tạo bước tiến mới cho hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng?
Thời gian qua, ngành Ngân hàng là một trong các ngành lĩnh vực được xác định có mức độ sẵn sàng cao cần ưu tiên chuyển đổi số trước, toàn ngành Ngân hàng luôn chủ động chú trọng trong triển khai Đề án 06 và đã đạt những kết quả ban đầu được Chính phủ đánh giá, ghi nhận. Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 264/QĐ-NHNN ngày 2/3/2023 ban hành Kế hoạch năm 2023 của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Đặc biệt, ngày 24/4/2023, tại trụ sở của NHNN đã diễn ra Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN về triển khai Đề án 06. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để tiếp nối và phát triển sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao phó; đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của Đề án 06 đối với ngành Ngân hàng; Ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, góp phần chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; Đảm bảo quá trình triển khai đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm trong lĩnh vực ngân hàng.
Với 11 đầu việc lớn và 35 đầu việc cụ thể đã được chi tiết hóa từng nội dung công việc, phân công đơn vị đầu mối và các đơn vị phối hợp, có thời hạn hoàn thành cụ thể, Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho cả các đơn vị Bộ Công an và đơn vị thuộc ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung cũng như chuyển đổi số ngân hàng. Thời gian tới, các đơn vị trong ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị Bộ Công an và các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối, khai thác CSDLQGvDC ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của Ngành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thống đốc NHNN đã chọn ngày 11/5 hàng năm là Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Ông có thể cho biết, năm nay NHNN tổ chức Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng
thế nào?
Ngày 04/8/2022, NHNN đã tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng, trong đó công bố “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng là 11/5 hàng năm. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, giữ vững vai trò tiên phong trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tiếp nối thành công Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, năm 2023, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng với Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” dự kiến vào ngày 18/5/2023. Sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm truyền thông rộng rãi kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!