Cơ hội cho vật liệu xây dựng
Ổn định thị trường vật liệu xây dựng | |
Bước tiến mới của vật liệu xây dựng | |
Vật liệu xây dựng làm chủ thị trường nội |
Đây cũng là mùa cao điểm xây dựng trong năm, các mặt hàng như sắt thép, gạch ốp, gạch ngói, thiết bị vệ sinh... hiện bán rất chạy. Trong đó, sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ giá thành hợp lý, chất lượng, mẫu mã được cải tiến, màu sắc đa dạng, hợp với xu hướng xây dựng hiện nay.
Theo Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh (SACA), hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội, ngoại thất của các doanh nghiệp đều phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản. Trong hơn 10 tháng đầu năm 2020 thị trường xây dựng TP. Hồ Chí Minh tuy có giảm, nhưng so với nhiều lĩnh vực sản xuất khác vẫn là khả quan. Ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó Tổng thư ký SACA cho biết, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay giảm 4,9% so với cùng kỳ 2019. Nhưng hàng loạt công trình trọng điểm của thành phố hiện đang gấp rút xây dựng như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Dự án tuyến đường sắt Metro số 01 Bến Thành – Suối Tiên, Dự án tuyến đường sắt Metro số 02, Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2. Ngoài ra, việc cấp phép xây dựng nhà ở hộ dân cư từ tháng 10/2020 đã tăng hơn những tháng đầu năm gần 15%, cũng khiến thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng khởi sắc.
Ảnh minh họa |
Tại khu phố kinh doanh vật liệu xây dựng Tô Hiến Thành (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) vẫn luôn tấp nập người dân, đại lý, chủ thầu xây dựng nhỏ đến mua hàng. Ông Ngô Anh Duy, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Quốc Duy (296 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện đang vào thời điểm xây dựng rộ lên. Các dự án xây dựng lớn thì gấp rút hoàn thành trước khi kết thúc năm 2020, còn hộ gia đình cá nhân thì xây dựng, sửa chữa nhà ở mới trước Tết Nguyên đán cộng với thời tiết tại thành phố ít mưa thuận lợi hơn, nên kinh doanh vật liệu xây dựng cũng tốt hơn. So với ba tháng trước, hiện lượng khách mua tăng hơn 30% và 70% trong số đó là khách hàng lẻ, nhà thầu phụ. Tuy không phải là khách hàng lớn nhưng doanh số cửa hàng tăng đáng kể, trung bình từ 35 triệu – 45 triệu đồng/ngày. Mặc dù thị trường tăng mua, nhưng vật liệu xây dựng không khan hàng, vì vậy giá tất cả sản phẩm ổn định, hoặc tăng không đáng kể. Cụ thể, một số mặt hàng như gạch lát nền hàng Việt Nam từ 80.000 đồng - 250.000 đồng/m2, tùy thương hiệu. Gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italy, Tây Ban Nha... giá từ 400.000 đồng - 1.300.000 đồng/m2. Các doanh nghiệp hiện tồn kho lớn nên giảm giá bán ra thị trường, có lợi cho người tiêu dùng, mức giảm từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/tấn (giá 1, 1 triệu – 1,27 triệu đồng/tấn), tùy thương hiệu. Các mặt hàng còn lại như sắt, thép, cát, kính xây dựng đến thời điểm này cũng không có dấu hiệu sẽ tăng giá. Ngoài ra, một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác như sơn, chống thấm, đèn chiếu sáng, inox gia dụng… còn được người bán tung khuyến mãi, giảm giá sâu từ 15% - 30% từ nay đến cuối năm.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, hiện nay doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng Việt đã thay đổi, chịu đầu tư công nghệ vào sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi người tiêu dùng trong nước đang dần thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng Việt Nam, thay vì hàng cùng loại của Trung Quốc như trước đây. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như Inax, Viglacera, Hảo Cảnh, Đồng Tâm… đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao trong sản xuất sứ vệ sinh. Nhóm sản phẩm gỗ, kính xây dựng, đá trang trí… cũng được doanh nghiệp thay đổi nâng chất lượng trong quá trình sản xuất xử lý, tạo ra dòng sản phẩm thân thiện môi trường, có màu sắc, độ bền cao...