Đại biểu Phan Đức Hiếu: Cần chi tiết hơn các giải pháp để thực hiện mục tiêu kép
Đại biểu Quốc hội hiến kế để vượt qua đại dịch | |
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 |
“Tôi đánh giá cao sự thẳng thắn, khách quan, toàn diện và khoa học của các báo cáo, trong đó đã thẳng thắn đưa ra chỉ tiêu đã đạt, chưa đạt; đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện 6 tháng cuối năm và 12 nhóm giải pháp cho giai đoạn 2021-2026 với kết cấu hợp lý, bài bản và đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng”, đại biểu Hiếu nói.
Tuy nhiên, đại biểu này cũng kiến nghị trong các báo cáo, đánh giá của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội cần thể hiện mạnh mẽ hơn và ghi nhận nỗ lực của cả các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp cũng như sự hợp tác của nhân dân trong và ngoài nước trong công tác phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, để làm rõ, chi tiết hơn các giải pháp mà Chính phủ đã nêu và trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện mục tiêu kép trong năm nay, ông Hiếu có thêm một số kiến nghị.
Thứ nhất, cần tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và minh bạch các thông tin về biện pháp phòng chống dịch.
Sở dĩ cần đưa thêm vào nội dung này, theo đại biểu Hiếu là vì bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau.
“Trong một số hoàn cảnh, đây là các biện pháp cần thiết nhưng nếu có sự khác biệt giữa các địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch sẽ dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa, con người”, đại biểu nói.
“Vì vậy, các địa phương cần giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết, như kết quả xét nghiệm được một địa phương thừa nhận thì địa phương khác cũng nên thừa nhận, từ đó giúp giảm tắc nghẽn trong việc cung ứng, vận chuyển hàng hóa; di chuyển chính đáng của người dân”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, việc minh bạch và cung cấp kịp thời thông tin chính thống sẽ giúp tăng niềm tin cho người dân, có thêm kênh thu thập sáng kiến hay và giúp xử lý kịp thời vấn đề phát sinh. Ví dụ, trên phần mềm đăng ký tiêm chủng có thể mở rộng thêm các ứng dụng để cập nhật thông tin về biện pháp chống dịch của Trung ương và toàn bộ các địa phương đến người dân, đồng thời cho phép nhận phản hồi, góp ý của người dân; tra cứu thông tin cần thiết, cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ… như vậy sẽ giúp phòng chống tin xấu, tin giả trong chống dịch.
Thứ hai, về giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng ngoài các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng nên bổ sung thêm nội dung xây dựng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh và tự tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Đây là các biện pháp hỗ trợ mang tính dài hạn, chuẩn bị cho phục hồi kinh doanh bền vững và mạnh mẽ ngay cả khi dịch không còn nữa. Giải pháp này cũng giúp bổ trợ cho các gói hỗ trợ tài chính, tín dụng khác.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị bổ sung thêm các nội dung, định hướng cụ thể, rõ ràng hơn về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế. Trong đó, ngoài các nguyên tắc đã nêu là rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc thì cần thêm nội dung “nhanh chóng bãi bỏ các quy định cản trở đổi mới, sáng tạo; hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy mô hình kinh doanh xã hội, bền vững”.
Theo đại biểu này, bối cảnh hiện nay rất thích hợp để thực hiện cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư và nếu làm tốt sẽ tạo dư địa rất lớn cho phục hồi phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Thực tế kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, rất nhiều quốc gia kiến nghị đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm hướng đến xây dựng một nền kinh tế năng động, hiệu quả - bền vững.