Đại biểu quốc hội đề xuất các giải pháp để sống an toàn với dịch bệnh và phục hồi kinh tế
Cần bổ sung chỉ tiêu riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi | |
Ngày mai, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Tăng cường liên kết vùng, giãn cách các khu công nghiệp
Cho rằng Chính phủ đã hành động rất quyết liệt trong thời gian qua và đề ra những nhiệm vụ cơ bản sát với tình hình thực tế cho thời gian tới, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề xuất thêm một số trọng tâm ưu tiên. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cần chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng; phát triển đồng bộ hạ tầng và ưu tiên liên kết vùng để các địa phương liên kết với nhau, từ đó phát huy và kết nối lại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại một số chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ hộ nghèo,… trong bối cảnh đất nước vẫn chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, tăng nguồn ngân sách bố trí thêm hàng năm cho lĩnh vực y tế; nghiên cứu đưa vaccine phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên toàn quốc.
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, vì vậy Chính phủ cần rà soát, bổ sung các đối tượng yếu thế trong thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68 để có đánh giá tác động việc hỗ trợ người dân qua sự thay đổi, chuyển biến, đánh giá tính hiệu quả của chính sách. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, nghiên cứu có thêm các chính sách an sinh xã hội; kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là lao động tự do ngoài danh mục của các tỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề xuất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cần phải đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh lập quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh (khi phê duyệt quy hoạch cần chú trọng tính liên kết vùng, định hướng phát triển kinh tế các vùng trọng điểm) cũng như cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng, tập trung kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm.
Từ thực tiễn trong phòng, chống COVID-19 vừa qua, cần xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển ra khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, theo đại biểu Lý Thị Lan, cần tính đến giải pháp giãn cách các khu công nghiệp, nhà máy gia công lắp ráp, sử dụng lao động thủ công về các tỉnh vệ tinh lân cận để tận dụng lao động địa phương, giảm áp lực cho các thành phố và các khu công nghiệp lớn.
Kiểm soát dịch vẫn rất quan trọng
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Khi tỷ lệ tiêm phòng ở một số địa phương còn thấp thì công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, thực hiện mục tiêu kép.
Công tác kiểm soát dịch vì vậy cần được quan tâm đúng mức. Thực tế, một số địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát dịch, khống chế dịch bệnh lây lan, thực hiện mục tiêu kép nên kinh tế địa phương phát triển và đảm bảo được hoạt động xuất, nhập khẩu của quốc gia trên địa bàn.
Do đó, việc duy trì kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết, tránh lây lan dịch bệnh ra nhiều tỉnh, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong hoạt động xuất nhập khẩu càng phải làm tốt công tác phòng, chống dịch”, nữ đại biểu nhấn mạnh và lấy ví dụ: “Một đoàn xe vận chuyển hàng xuất khẩu có một lái xe bị F0 thì về phía bạn sẽ ngừng nhập khẩu hàng hóa và có thể bị đình trệ nhiều ngày, có thể phải tiêu hủy, gây tốn kém, lãng phí”.
Nữ đại biểu đề xuất, cần có nhận định, đánh giá đúng mức kết quả thực hiện mục tiêu kép, thực hiện tốt việc kiểm dịch ở các chốt giao thông, không chỉ để lưu thông nhanh mà còn phải đảm bảo an toàn để phát triển bền vững.
Là người trực tiếp đi chống dịch ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, cho đến nay việc tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số vẫn là rất quan trọng.
“Chúng ta biết tiêm mũi 1 xong đã có khả năng giảm tỷ lệ tử vong rất cao, sau đó chúng ta sẽ tính đến mũi 2, mũi 3 ở các tỉnh”, đại biểu Hiếu nêu quan điểm và cho rằng điều này sẽ giúp bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị COVID-19 tấn công, như người cao tuổi, người có bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh việc triển khai ứng dụng tin học trong phát hiện, theo dõi và điều trị COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này.
“Hội đồng nghiệm thu phần mềm các app ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng "đầu voi đuôi chuột" của những phần mềm trước đây”, ông nói.
Trong khi đó theo đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên), có 3 yếu tố quan trọng Chính phủ cần quan tâm để phòng, chống dịch hiệu quả: Thứ nhất, nhanh chóng có đủ vaccine bao phủ toàn dân, kể cả đối tượng là trẻ nhỏ; Thứ hai, sớm phổ biến những thuốc đặc trị như Molnupiravir, Remdesivir hiện nay đang được thử nghiệm và được đánh giá rất tốt, giúp người bị nhiễm COVID-19 nhanh chóng khỏi bệnh; Thứ ba, Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022 Việt Nam chủ động được nguồn vaccine theo nhu cầu, đặc biệt là nguồn vaccine trong nước, để chúng ta không phải vất vả "chạy vạy ngược xuôi” như thời gian vừa qua, đồng thời giảm được chi phí mua vaccine.
Vị đại biểu này cho rằng, có đủ các yếu tố như vậy thì chúng ta khá yên tâm để sống chung với COVID-19 theo phương châm mới của Chính phủ.