Đẩy mạnh thương mại biên giới
Thương mại biên giới: Gập ghềnh qua ải thủ tục Hội chợ Kinh tế Thương mại Biên giới Trung-Việt thu hút 1.500 gian hàng |
Trong 9 tháng năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác quản lý tại Cửa khẩu, đảm bảo tổ chức thực hiện thống nhất, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được kiểm soát chặt chẽ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Hiện nay tại Khu kinh tế Cửa khẩu có 40 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 643,8 tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 261,8 tỷ đồng, đạt 40,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thời gian qua, có 3 dự án được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, có 2 dự án tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm 87,2 tỷ đồng, cấp giấy phép xây dựng cho 1 dự án. Doanh thu thuần của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế trong 9 tháng đầu năm vào khoảng 553,5 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai |
Cùng với đó, có 12.774 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng 130,74%; 61.529 lượt hành khách xuất nhập cảnh, tăng 81,26% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu đạt 101,23 triệu USD, giảm 4,55%. Thu ngân sách Nhà nước do lực lượng Hải quan thực hiện là 13,69 tỷ đồng, tăng 52,28% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế nộp ngân sách Nhà nước 3,5 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ...
Tuy có tăng trưởng qua các năm, nhưng qua 22 năm đầu tư và phát triển, mặc dù có tiềm năng nhưng hoạt động thương mại biên giới tại khu vực này vẫn chưa sôi động, khởi sắc.
Mức độ giao thương hàng hóa giữa hai bên Việt Nam - Campuchia qua Cửa khẩu vẫn còn nhiều hạn chế; các mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua đây còn khá ít.
Khu vực cửa khẩu chưa thu hút được các dự án lớn, dự án đầu tư nước ngoài. Hầu hết các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông, lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ. Hoạt động chợ, giao thương trao đổi mua bán chủ yếu diễn ra theo thời vụ.
Theo các chuyên gia, việc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chưa phát triển như kỳ vọng là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có yếu tố đời sống kinh tế, xã hội khu vực biên giới của cả 2 nước Việt Nam - Capuchia còn chậm phát triển. Cư dân chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp; sản xuất công nghiệp tại khu vực này còn khá lạc hậu, chưa có sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh…
Cùng với đó, thị trường Campuchia hiện có sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phải tốn thêm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ về cảng biển để xuất khẩu dẫn tới gia tăng chi phí đầu vào sản phẩm, ảnh hưởng việc cạnh tranh về giá.
Điều đáng nói, các doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế chủ yêu thuê kho bãi để thu mua, tập kết, sơ chế nhanh hàng hóa nông sản; không chế biến sâu tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí quản lý, nhân công… Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chưa phát huy hết năng lực, tiềm năng vốn có…
Do đó, theo các chuyên gia, thời gian tới, cần có chiến lược đầu tư phát triển trong dài hạn để giải quyết những tồn tại hạn chế. Trong đó, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới; Tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, văn hóa, xã hội, các dự án phát triển chợ biên giới. Qua đó, tạo điều kiện cho người và phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu phục vụ giao thương, góp phần nâng cao đời sống, trình độ cư dân khu vực biên giới.