Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/2
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 5-16/2 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/2 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 20/2, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.988 VND/USD, tiếp tục tăng 9 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.137 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.530 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên 19/2.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 70 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.970 VND/USD và 25.070 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 20/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng tiếp 0,17 - 0,64 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 2,06%; 1 tuần 2,14%; 2 tuần 2,11% và 1 tháng 2,20%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 5,20%; 1 tuần 5,28%; 2 tuần 5,35%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng nhẹ ở các kỳ hạn 5 năm và 7 năm, giảm ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,23%; 5 năm 1,43%; 7 năm 1,83%; 10 năm 2,31%; 15 năm 2,53%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Có 5.091,04 tỷ đồng trúng thầu, như vậy NHNN bơm ròng 5.091,04 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên vẫn chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng phiên thứ 7 liên tiếp 5,09 điểm (+0,42%) lên mức 1.230,06 điểm; HNX-Index thêm 0,13 điểm (+0,06%) đạt 233,50 điểm; UPCoM-Index nhích 0,07 điểm (+0,08%) lên 90,53 điểm. Thanh khoản thị trường giảm tuy vẫn ở mức khá cao với giá trị giao dịch đạt gần 23.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 252 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo số liệu được NHNN công bố, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đến 31/01/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tin quốc tế
NHTW Trung Quốc PBoC có động thái hạ lãi suất dài hạn. Trong phiên ngày hôm qua, PBOC công bố giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm ở mức 3,45%, tuy nhiên hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm xuống còn 3,95% từ mức 4,20% trước đó, mạnh hơn so với kỳ vọng chỉ hạ xuống 4,1% của các chuyên gia.
Đây là lần tiếp theo kể từ tháng 6/2023 loại lãi suất này được PBOC điều chỉnh giảm. Ở lần điều chỉnh trước, mức giảm chỉ là 10 điểm cơ bản. Một số ý kiến trên thị trường cho rằng, lần hạ lãi suất quyết liệt này của PBOC nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh số của lĩnh vực này đã giảm tới 6,5% trong năm 2023 với nhiều công ty phá sản, trong đó có Evergrande.
Ngân hàng trung ương Úc (RBA) công bố biên bản cuộc họp đầu năm 2023. Trong văn bản này, RBA nhận định kinh tế thế giới trầm lắng đang góp phần vào đà giảm lạm phát tại nhiều quốc gia phát triển. Tại Úc, lạm phát đang có xu hướng giảm, song vẫn còn cao hơn so với mức mục tiêu. Các thành viên RBA cho rằng tổng cầu vẫn còn cao so với lượng cung tiềm năng của nền kinh tế, tạo ra áp lực lạm phát trong thời gian vừa qua.
Cơ quan này dự báo lạm phát sẽ trở về mức mục tiêu 2,0% - 3,0% vào năm 2025 và sau đó ổn định hơn ở năm 2026. Do vẫn còn những rủi ro có thể khiến lạm phát dai dẳng hơn dự kiến, nên RBA không loại trừ khả năng tăng thêm lãi suất trong tương lai. Mặc dù vậy, tại cuộc họp này, RBA quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức 4,35%, không thay đổi so với trước, nhằm có thêm thời gian quan sát các dữ liệu kinh tế, lạm phát và rủi ro liên quan.