Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/7
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 12-16/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ: Phiên 20/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.207 VND/USD, tăng mạnh 12 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.853 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.022 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 19/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.220 - 23.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 20/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1W, tăng 0,01 - 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,97%; 1W 1,11%; 2W 1,26% và 1M 1,41%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,23%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm ở kỳ hạn 15Y, giao dịch tại: 3Y 0,87%; 5Y 1,06%; 7Y 1,33%; 10Y 2,16%; 15Y 2,45%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, lực cầu dâng cao vào cuối phiên kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá, giúp cả 3 chỉ số tăng điểm tích cực. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 29,78 điểm (+2,39%) lên 1.273,29 điểm; HNX-Index tăng 9,04 điểm (+3,10%) lên 301,11 điểm; UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (+1,33%) lên 83,69 điểm. Thanh khoản thị trường giảm trở lại với tổng giá trị giao dịch đạt gần 20.700 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 23 tỷ VND trên cả ba sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 7/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt mạnh 1,83 tỷ USD, đưa thâm hụt lũy kế từ đầu năm đến hết 15/07 lên mức 3,01 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ 01-15/07 đạt 12,78 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ở mức 14,61 tỷ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế từ 01/01 đến 15/07 đạt 171,22 tỷ USD, nhập khẩu đạt 174,23 tỷ. Tổng kim ngạch XNK giai đoạn này đạt 345,45 tỷ USD, tăng 32,18% so với cùng kỳ 2020.
Tin quốc tế
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng nhóm các quốc gia đang phát triển khu vực này còn 7,2% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với mức 7,3% đưa ra hồi tháng 04/2021. Nguyên nhân chính của đợt hạ nhẹ triển vọng là do dịch Covid-19 đang lây lan rất nhanh, làm chệch hướng quá trình phục hồi của một số nền kinh tế trong khu vực.
Đối với Việt Nam, ADB cũng hạ triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 xuống còn 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức 6,7% theo dự báo trước đó. Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB - ông Yasuyuki Sawada nhận định công cuộc phục hồi tại Châu Á vẫn đang tiếp diễn, một số khu vực Đông Á như Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang cho thấy tình hình tốt hơn kỳ vọng. Nhóm này được nâng nhẹ mức tăng trưởng từ 7,4% lên thành 7,5%.
Số cấp phép xây dựng tại Mỹ ở mức 1,60 triệu đơn trong tháng 6, thấp hơn so với mức 1,68 triệu của tháng 5 đồng thời thấp hơn mức 1,69 triệu theo dự báo. Ở chiều tích cực, số nhà khởi công tại quốc gia này trong tháng vừa qua đạt mức 1,64 triệu căn, cao hơn so với 1,57 triệu căn của tháng 5 và cũng vượt qua mức 1,59 triệu căn theo kỳ vọng.
Cán cân thương mại khu vực Eurozone thặng dư 11,7 tỷ EUR trong tháng 5, thấp hơn rất nhiều so với mức thặng dư 22,1 tỷ của tháng 4, càng thấp hơn mức thặng dư 24,3 tỷ theo dự báo. Tại nước Đức, chỉ số giá sản xuất PPI của nước này tăng rất mạnh 13,0% m/m trong tháng 6 vừa qua, mạnh hơn so với mức tăng 1,5% của tháng trước đó đồng thời mạnh hơn mức tăng 1,3% theo dự báo.
Tỷ giá ngày 20/07: USD = 0.849 EUR (0.16% d/d); EUR = 1.178 USD (-0.16% d/d); USD = 0.734 GBP (0.34% d/d); GBP = 1.363 USD (-0.34% d/d).