Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/3 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 6/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.017 VND/USD, tăng tiếp 5 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.167 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.670 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên 5/3.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.480 VND/USD và 25.620 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 6/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần trong khi giảm 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 1,50%; 1 tuần 1,68%; 2 tuần 1,90% và 1 tháng 2,35%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần, giao dịch tại: qua đêm 5,19%; 1 tuần 5,29%; 2 tuần 5,36%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,27%; 5 năm 1,45%; 7 năm 1,84%; 10 năm 2,35%; 15 năm 2,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 6/3, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 8.000 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 70%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được 3.500 tỷ đồng/5.250 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 15 năm huy động 2.500 tỷ đồng/3.750 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, nhưng đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm là 1,44% (+0,02 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm 2,33% (+0,02 điểm phần trăm), 15 năm 2,53% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua khá tiêu cực khi lực bán xuất hiện từ đầu phiên. Chốt phiên, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,57%) về mức 1.262,73 điểm; HNX-Index giảm 1,90 điểm (-0,80%) xuống 235,45 điểm; UPCoM-Index mất 0,54 điểm (-0,59%) còn 91,24 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 27.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 252 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 23/2/2024, có 11 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 7,25 nghìn tỷ đồng (gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 52% (3,75 nghìn tỷ đồng) và xây dựng chiếm 24% (1,7 nghìn tỷ đồng); lãi suất phát hành bình quân 10,26%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân là 5,5 năm; 52,4% trái phiếu doanh nghiệp phát hành có tài sản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 9,1 nghìn tỷ đồng (giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức (trong nước chiếm 80,6%, nước ngoài chiếm 6,2%); nhà đầu tư cá nhân mua 13%.
Tin quốc tế
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ. Trong phiên điều trần này, ông Powell cho rằng lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2,0% của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), nhưng đã giảm tốc mà không làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp.
Mặc dù vậy, FOMC vẫn chú ý đến rủi ro lạm phát dai dẳng và cho rằng lạm phát cao gây ra khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là đối với những người có ít khả năng đáp ứng chi phí cao hơn cho nhu cầu thiết yếu. FOMC cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
FOMC bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2022, đã đạt duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,50% kể từ cuộc họp tháng 7/2023. Lãi suất chính sách có thể đã ở mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt này. Nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi, có thể sẽ đến thời điểm thích hợp để giảm dần mực độ thắt chặt sẽ rơi vào năm 2024.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế là không chắc chắn và quá trình hướng đến lạm phát mục tiêu chưa được đảm bảo. Việc giảm mức độ thắt chặt quá sớm hoặc quá nhiều có thể đảo ngược những thành quả trước đây, đòi hỏi chính sách tiền tệ phải quay lại thắt chặt hơn nữa để đạt mục tiêu. Đồng thời, giảm mức độ thắt chặt quá muộn hoặc quá ít sẽ làm suy yếu kinh tế và thị trường lao động. FOMC sẽ đánh giá cẩn trọng dữ liệu để đưa ra những quyết định phù hợp.
Thị trường lao động Mỹ ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, ADP cho biết nước Mỹ có 140 nghìn việc làm mới trong tháng Hai, cao hơn mức 111 nghìn việc làm mới ở tháng Một, gần đạt mức 149 nghìn theo kỳ vọng. Tiếp theo, Bộ Lao động Mỹ cho biết quốc gia này mở ra 8,86 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng Một, thấp hơn một chút so với 8,89 triệu của tháng trước đó và cao hơn mức 8,80 triệu theo dự báo.
Văn phòng Thống kê Úc (ABS) cho biết GDP của nước này tăng 0,2% so với quý trước trong quý IV/2023, nối tiếp đà tăng 0,3% của quý trước đó (điều chỉnh tăng từ mức 0,2% theo thống kê sơ bộ), khớp với dự báo. Như vậy, GDP nước Úc tăng khoảng 1,5% trong năm 2023. Tuy nhiên, GDP theo đầu người tại quốc gia này vẫn ghi nhận kết quả giảm 1,0% trong năm vừa qua.