Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 17/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 16/12 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/12 |
Tổng quan
Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, theo đó, Việt Nam và Thuỵ Sỹ được Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định là nước thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đưa vào Danh sách giám sát 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, trong giai đoạn báo cáo, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trong giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Theo số liệu của Mỹ, trong giai đoạn 4 quý đến hết 6/2020, Việt Nam vượt xa cả 3 tiêu chí này: (i) Trong giai đoạn đánh giá của báo cáo gồm 4 quý đến hết tháng 6/2020, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ ở mức 58 tỷ USD, nước có thặng dư thương mại lớn thứ 4 của Mỹ; (ii) Các nhà chức trách Việt Nam đã thông báo một cách đáng tin cậy với Bộ Tài chính rằng mua ròng ngoại hối trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2020 là 16,8 tỷ USD, tương đương 5,1% GDP với phần lớn các giao dịch mua này diễn ra vào nửa cuối năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19; (iii) Thặng dự cán cân thương mại của Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua, khiến thặng dư cán cân vãng lai trong giai đoạn xem xét ở mức 4,6% GDP.
Báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam định giá thấp đồng tiền của mình, kiểm soát chặt chẽ giá trị đồng VND với USD với mức giá thấp kể từ 2016 một cách nhất quán, cả khi chịu áp lực tăng giá và giảm giá. Ngoài ra, đầu năm 2019, Việt Nam vẫn còn nắm giữ dự trữ ngoại hối ở mức thấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 4 quý cho đến hết 6/2020, Việt Nam đã can thiệp ở cấp độ rộng và kéo dài hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó để ngăn chặn sự tăng giá của tiền đồng, trong bối cảnh thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng lớn và thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng với Hoa Kỳ.
Sự can thiệp cũng đã góp phần định giá thấp tiền đồng trên cơ sở thực tế, với tỷ giá hối đoái thực được định giá thấp hơn vào năm 2019. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá, ít nhất một phần trong việc điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam giai đoạn bốn quý đến hết tháng 6 năm 2020, và đặc biệt là sự can thiệp vào tỷ giá, là nhằm mục đích ngăn chặn các điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả và để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ sẽ thúc đẩy việc thông qua các chính sách cho phép điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả và loại bỏ các lợi thế không công bằng trong thương mại do hành động của Việt Nam. Đây là lần thứ ba, chính quyền Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ lên một quốc gia. Lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc. Sau đó, Mỹ đã không còn xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nữa, nhưng Bộ Tài Chính Mỹ vẫn xếp đồng CNY vào danh sách các đồng tiền cần phải theo dõi.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ.
NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Các chuyên gia về kinh tế thì cho rằng, động thái lần này của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cùng với thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lũy kế 11 tháng đầu năm 2020 ở mức cao xấp xỉ 60 tỉ USD, việc Mỹ áp các thuế mới đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam vào tháng 11 và hai cuộc điều tra gần đây theo điều khoản 301 về gian lận thương mại đối với hai ngành hàng đồ gỗ và dệt may là điều đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có hoạt động giao thương với Hoa Kỳ được khuyến cáo tiếp tục theo dõi sát sao những động thái từ phía các cơ quan như Bộ Tài chính và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR; đồng thời phối hợp và làm việc chặt chẽ với những đối tác là doanh nghiệp tại Mỹ để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra từ các biện pháp áp thuế trừng phạt, nếu có.
Tóm lược thị trường trong nước từ 14/12 - 18/12
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 14/12 - 18/12, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 18/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.138 VND/USD, giảm 08 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.782 VND/USD.
Tỷ giá LNH chỉ biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 18/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.125 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên 11/12.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng ít biến động trong tuần vừa qua. Chốt tuần 18/12, tỷ giá tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 – 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 14/12 - 18/12, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động rất nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt phiên 18/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,20% (không thay đổi); 2W 0,26% (+0,01 đpt); 1M 0,40% (+0,02 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 18/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14 (không thay đổi); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,24% (-0,01 đpt) và 1M 0,36% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 14/12 - 18/12, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động thành công toàn bộ 12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu. Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 3.000 tỷ đồng, 15 năm là 6.000 tỷ đồng, và 1.500 tỷ đồng mỗi loại kỳ hạn 20 và 30 năm. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn lần lượt tại 2,32%/năm (-0,04 đpt), 2,54%/năm (-0,05 đpt), 2,93%/năm (-0,05 đpt) và 3,15%/năm (-0,02 đpt). Trong tuần không có TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 21/12 - 25/12, KBNN dự kiến gọi thầu 12.050 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này có 500 tỷ đồng đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 15.521 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 15.697 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua trong xu hướng giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 18/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,17% (không thay đổi); 2 năm 0,26% (không thay đổi); 3 năm 0,35% (-0,04 đpt); 5 năm 1,03% (-0,08đpt); 7 năm 1,29% (-0,07 đpt); 10 năm 2,36% (-0,04 đpt); 15 năm 2,58% (-0,03 đpt); 30 năm 3,14% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Mặc dù có một vài phiên giảm điểm, thị trường chứng khoán tuần 14/12 - 18/12 vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm của các tuần trước đó. Chốt phiên cuối tuần 18/12, VN-Index tăng 21,50 điểm (+2,06%) đạt mức 1.067,46 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 14,70 điểm (+9,06%) dừng tại 177,02 điểm; UPCOM-Index tăng 2,33 điểm (+3,25%) lên 70,95 điểm.
Thanh khoản thị trường lên mức đỉnh trong tuần vừa qua với giá trị giao dịch đạt trên 14.200 tỷ đồng/phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh hơn 2.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Trong tuần qua, một số NHTW lớn là có cuộc họp cuối cùng của năm 2020, tuy nhiên không nhiều sự thay đổi về CSTT. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0,0 – 0,25% và cam kết tiếp tục mua TPCP và TPDN. Tại nước Anh, NHTW BOE duy trì LSCS hiện đang ở mức 0,1%. Đồng thời, BOE vẫn giữ chương trình thu mua 20 tỷ GBP trái phiếu doanh nghiệp phi đầu tư tài chính cùng 875 tỷ GBP trái phiếu chính phủ Anh. Cuối cùng, NHTW Nhật Bản BOJ cũng không thay đổi LSCS đang ở mức -0,1%. NHTW này cho biết sẽ kéo dài thời hạn thu mua TPDN thêm 6 tháng nhằm hỗ trợ các công ty đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, BOJ cũng gia hạn thêm 6 tháng đối với một số chương trình hỗ trợ tài chính khác. Các NHTW trên đều hướng đến việc đạt được lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%. Riêng về Fed, ngoài lạm phát mục tiêu, cơ quan này còn hướng đến việc toàn dụng nhân công. Đồ thị dot plot được công bố sau cuộc họp cho thấy các quan chức Fed kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi cho đến hết năm 2023.
Mỹ đón một số thông tinh kinh tế quan trọng. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của Mỹ lần lượt giảm 0,9% và 1,1% m/m trong tháng 11 sau khi cùng giảm 0,1% ở tháng 10, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo lần lượt tăng 0,1% và giảm 0,3% của các chuyên gia. Tiếp theo, PMI sơ bộ lĩnh vực dịch vụ của Mỹ ở mức 55,3 điểm trong tháng 12, giảm mạnh từ 58,4 điểm của tháng 11 và xuống sâu hơn mức 55,7 điểm theo dự báo.
Ở mặt tích cực, PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ được khảo sát ở mức 56,5 điểm trong tháng này, giảm nhẹ từ 56,7 điểm của tháng 11 nhưng vẫn tĩnh cực hơn so với dự báo ở mức 55,9 điểm. Về lĩnh vực việc làm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 12/12/2020 ở mức 885 nghìn đơn, tăng lên từ mức 862 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với kỳ vọng giảm xuống còn 820 nghìn đơn. Về lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng 11 lần lượt ở mức 1,64 triệu đơn và 1,55 triệu căn, cùng tăng so với 1,54 triệu đơn và 1,53 triệu căn của tháng 10, đồng thời vượt qua dự báo ở mức 1,55 triệu đơn và 1,53 triệu căn.
Liên quan đến gói trợ cấp tiếp theo của Mỹ, Reuters đưa tin Quốc hội Mỹ có cuộc họp để bỏ phiếu cho gói này với trị giá 900 tỷ USD trong ngày hôm qua 20/12. Nhiều quan chức tỏ ra lạc quan rằng các bất đồng sẽ được xóa bỏ để đưa ra điều tốt nhất cho nước Mỹ, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức được công bố.
Nước Anh cũng đón một số thông tin kinh tế trái chiều trong tuần qua. Đầu tiên, CPI và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,3% và 1,1% y/y trong tháng 11, đều thấp hơn so với 0,7% và 1,5% của tháng 10, đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 0,6% và 1,4%. PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh tăng lên mức 57,3 điểm trong tháng 12 từ mức 55,6 điểm của tháng 11, vượt qua kỳ vọng ở mức 55,9 điểm.
Tuy nhiên PMI lĩnh vực dịch vụ tháng 12 chỉ tăng lên 49,9 điểm từ 47,6 điểm của tháng 11, chưa đạt mức 50,5 điểm như kỳ vọng. Niềm tin tiêu dùng tại Anh trong tháng 12 ở mức -26 điểm, bớt tiêu cực hơn so với mức -33 điểm của tháng 11 và mức -30 điểm theo dự báo. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại quốc gia này chỉ giảm 3,8% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 1,3% ở tháng 10, bớt tiêu cực hơn so với mức giảm 4,0% theo dự báo.