Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/11 |
Tổng quan
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao trong mùa mưa là những yếu tố làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước; trong khi đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.
CPI tháng 11 tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 11/2020 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Tháng 11, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm hàng giảm giá, 07 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm hàng giá ổn định. Trong 3 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất (giảm 0,47%) so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung 0,05%. Tiếp theo, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% so với tháng trước do nhiều doanh nghiệp và đơn vị bán lẻ đưa ra các hình thức khuyến mại, giảm giá điện thoại để thu hút khách hàng.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06% so với tháng trước do các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa nên giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm. Trong 7 nhóm hàng tăng giá, nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép có mức tăng cao nhất (tăng 0,14%) so với tháng trước do thời tiết chuyển mùa nhu cầu mua sắm giầy dép quần áo của người dân tăng. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% so với tháng trước do tăng giá ở các mặt hàng: Đồ trang sức tăng (do giá vàng tăng), các vật dụng phục vụ cưới hỏi (do đang vào mùa cưới hỏi), dịch vụ phục vụ cá nhân (do nhu cầu tăng khi chuyển mùa).
Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,07% so với tháng trước do tăng giá chủ yếu ở mặt hàng gas và thép tăng theo giá thế giới. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% so với tháng trước, tăng chủ yếu tại các tỉnh miền Trung do mưa lũ kéo dài ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc lá ngoại và rượu mạnh. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05% so với tháng trước do trong tháng 11.2020, miền Trung chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, làm cho giá gạo, thủy hải sản, giá rau tươi tăng hơn so với tháng trước. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% so với tháng trước do nhu cầu về các thiết bị phục vụ mùa đông và các mặt hàng thuốc về đường hô hấp tăng khi thời tiết chuyển lạnh.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa riêng trong tháng 11/2020 ước tính đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch XK hàng hóa tháng 11 vẫn tăng 8,8%. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%. Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 64,3%), như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may… Ngược lại, kim ngạch XK 11 tháng của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: rau quả đạt 3 tỷ USD, giảm 11,7%; hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, giảm 1,7%; cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,9%...
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%, nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%; thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%; thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%; Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%; Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%. Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tính chung 11 tháng ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 34 mặt hàng đạt kim ngạch NK trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch NK, trong đó riêng nhóm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu hàng hóa NK, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch NK; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%. Với thị trường NK hàng hóa trong 11 tháng, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%. Tính chung 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.
Tóm lược thị trường trong nước từ 23/11 - 27/11
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 23/11 - 27/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm từ 2 đến 5 điểm ở mỗi phiên. Chốt phiên 27/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.162 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được điều chỉnh giảm 50 điểm xuống 23.125 VND/USD ở phiên đầu tuần, sau đó đi ngang ở các phiên tiếp theo. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn khoảng 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.807 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tương đối mạnh trong tuần vừa qua. Chốt phiên 27/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.148 VND/USD, giảm 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua tương đối ổn định. Chốt tuần 27/11, tỷ giá tự do tăng 15 đồng ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.215 – 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 23/11 - 27/11, lãi suất VND LNH vẫn chỉ biến động rất nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 27/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,25% (+0,02 đpt); 1M 0,38% (+0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 27/11, lãi suất USD LNH đi ngang ở kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, đóng cửa tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,26% và 1M 0,36%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 23/11 - 27/11, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, do đó không xuất hiện khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN và NHCSXH tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu đạt mức 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 25/11, KBNN huy động thành công 9.140/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 91%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 350/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ lần lượt 3.000 và 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.290/1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm không đổi tại 1,22%/năm, kỳ hạn 10 năm tại 2,48%/năm (-0,07%), kỳ hạn 15 năm tại 2,7%/năm (-0,09%), kỳ hạn 30 năm không đổi tại 3,24%/năm. Ngày 26/11, NHCSXH huy động thành công 1.900/2.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 95%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 900/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,75%/năm. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm tại 2,92%/năm. Trong tuần qua, lượng TPCP đáo hạn là 2.800 triệu đồng.
Trong tuần này từ 30/11 - 04/12, KBNN và NHCSXH dự kiến gọi thầu 10.457 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 895 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.756 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 10.492 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 27/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,17% (0,002 đpt); 2 năm 0,26% (-0,02 đpt); 3 năm 0,37% (-0,01 đpt); 5 năm 1,19% (-0,06 đpt); 7 năm 1,42% (-0,15 đpt); 10 năm 2,43% (-0,13 đpt); 15 năm 2,65% (-0,15 đpt); 30 năm 3,18% (-0,05 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 23/11 - 27/11 tiếp tục chứng kiến sự tăng điểm tích cực trên cả 3 sàn. Kết thúc phiên cuối tuần 27/11, VN-Index đạt 1.010,22 điểm, tăng mạnh 20,22 điểm (+2,04%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,65%), lên mức 148,17 điểm; UPCOM-Index tăng 0,35 điểm (+0,54%) lên 66,79 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 11.830 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.115 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực, các vai trò then chốt ở Nội các và Nhà Trắng được chỉ định. Đầu tuần qua, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cho phép Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp GSA bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông Biden sau đó lựa chọn một số nhân vật cho các vị trí lãnh đạo tại Nội các và Nhà Trắng, nổi bật có ông Antony Blinken sẽ là Ngoại trưởng, ông Jake Sullivan là Cố vấn An ninh quốc gia và bà Linda Thomas Greenfield là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Hiện ông Trump vẫn theo đuổi các hành động pháp lý tại một số bang quan trọng với hy vọng đảo ngược kết quả bầu cử với lý do có sự gian lận phiếu bầu. Nếu cuộc chiến pháp lý của ông Trump không mang lại kết quả, ông Biden sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/01/2021.
Về phía thế giới, nhiều nước đã chính thức gửi lời chúc mừng tới ông Biden, trong đó bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, nước Nga vẫn chưa có hành động tương tự và cho biết sẽ chúc mừng lãnh đạo mới của nước Mỹ ngay sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố.
Trong tuần qua, Fed công bố biên bản cuộc họp FOMC đầu tháng 11, đồng thời nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, biên bản cho thấy Fed giữ lãi suất chính sách ở mức gần 0%. Ngoài ra, Fed cũng chưa thay đổi chương trình mua 120 tỷ USD TPCP Mỹ và trái phiếu có tài sản đảm bảo hằng tháng. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết có thể sẽ sớm tăng tốc độ thu mua TPCP nếu cần thiết, bằng cách tăng khối lượng hoặc cho phép mua trái phiếu có thời hạn dài hơn. Fed lo ngại về tốc độ hồi phục của kinh tế quốc nội và dự báo sẽ không có gói cứu trợ tài khóa của Chính phủ từ giờ cho tới hết 2020.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Mỹ, báo cáo sơ bộ lần hai cho thấy GDP nước này phục hồi 33,1% q/q trong quý 3 sau khi giảm 31,7% ở quý 2, không thay đổi so với kết quả báo cáo sơ bộ lần đầu. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 21/11 ở mức 778 nghìn đơn, tăng khá mạnh so với mức 742 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm xuống còn 732 nghìn đơn. Đại học Michigan cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ chính thức ở mức 76,9 điểm trong tháng 11, điều chỉnh không nhiều so với mức 77,0 điểm theo khảo sát sơ bộ, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Cuối cùng, chỉ số PMI của hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 11 lần lượt ở mức 56,7 và 57,7 điểm, cùng tăng so với 53,4 và 56,9 điểm của tháng 10, cao hơn so với dự báo ở mức 52,5 và 55,8 điểm.
Eurozone đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, về mặt tiêu cực, PMI lĩnh vực sản xuất của nước Đức nói riêng và Eurozone nói chung lần lượt ở mức 57,9 và 53,6 điểm trong tháng 11, cùng giảm nhẹ từ 58,2 và 54,8 điểm của tháng 10, nhưng vẫn tích cực hơn dự báo ở 56,0 và 53,2 điểm. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước Đức và Eurozone trong tháng 11 lần lượt ở mức 46,2 và 41,3 điểm, giảm từ 49,5 và 46,9 điểm của tháng 10, gần khớp với dự báo ở mức 46,1 và 43,2 điểm.
Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại nước Đức ở mức -6,7 điểm trong tháng 11, tiếp tục giảm từ mức -3,1 điểm của tháng 10 và xuống sâu hơn dự báo ở mức -4,9 điểm. Về mặt tích cực, GDP của nước Đức trong quý 3 chính thức tăng 8,5% q/q, điều chỉnh lên so với sơ bộ và cũng là dự báo của các chuyên gia ở mức 8,2%. Niềm tin kinh tế tại nước này ở mức 90,7 điểm trong tháng 11, giảm so với mức 92,5 điểm của tháng 10 nhưng vẫn cao hơn mức 90,3 điểm theo dự báo.