Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/5-3/6
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/5 |
Tổng quan
Vấn đề được thảo luận nhiều trên thị trường tài chính – tiền tệ tuần qua là việc tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5/2022 của hệ thống ngân hàng đạt mức cao, nhiều ngân hàng đang tích cực xin Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng.
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 27/05 ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước (4,76%). Nhiều NHTM đã tăng cường cho vay khi nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng mạnh. Mức tăng tín dụng trên cho thấy sự phục hồi kinh tế đang rõ nét và dòng vốn ngân hàng đang đi đúng hướng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng các NHTM tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, tăng trưởng tín dụng đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những ngành gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua do tác động của đại dịch (du lịch, khách sạn,…) ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung; tín dụng lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ tăng trưởng 7,6%. Vì vậy, hết tháng 5/2022, nhiều ngân hàng đã đề xuất với NHNN được nâng quota tín dụng.
Đơn cử, nhóm Big 3 NHTM gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV đồng loạt đề xuất mức room tín dụng cao hơn mức hiện tại. Nhiều NHTM cổ phần cũng xin được tăng hạn mức tín dụng, như Techcombank, VPBank, MBBank, OCB….
Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2022, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống sẽ ở mức cao hơn khi nền kinh tế hồi phục. Đồng thời, với việc NHNN ban hành TT 03/2022/TT-NHNN ngày 20/05/2022 hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% lãi suất từ nguồn NSNN 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ ra cùng ngày, các chuyên gia đều nhất trí rằng, tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối năm. Theo đó, các ngân hàng cũng sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng.
Theo NHNN, NHNN đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, trong bối cảnh tín dụng 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. NHNN vẫn giữ quan điểm cho rằng, tăng trưởng tín dụng nóng sẽ khó kiểm soát lạm phát, nhưng thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế nên hạn mức tín dụng phải giải quyết thỏa đáng. NHNN sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế, trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện. Vì vậy, thời điểm tăng, mức tăng bao nhiêu sẽ được NHNN tính toán thận trọng; chậm nhất trong quí 2/2022, room tín dụng cho các NHTM sẽ được công bố rộng rãi.
NHNN cũng cho biết, mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14%, nhưng NHNN vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để điều chỉnh tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, cao hơn mức 13,6% năm 2021.
Tuy nhiên, NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Tóm lược thị trường trong nước từ 30/05 - 03/06
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 30/05 - 03/06, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên đầu tuần và tăng nhẹ các phiên còn lại. Phiên cuối tuần 03/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.069 VND/USD, giảm 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt tuần 03/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.189 VND/USD, giảm nhẹ 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ trở lại trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 03/06, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.760 VND/USD và 23.820 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 30/05 - 03/06, sau khi tăng phiên đầu tuần, lãi suất VND LNH giảm khá mạnh ở hầu hết các kỳ hạn ở các phiên cuối tuần. Chốt ngày 03/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,50% (-0,18 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,24% (-0,31 đpt); 2W 1,71 (-0,05 đpt); 1M 2,15% (+0,05 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua vẫn biến động nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 03/06, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 0,91% (-0,02 đpt); 1W 1,0% (-0,01 đpt); 2W 1,10% (-0,02 đpt) và 1M 1,22% (-0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 30/05 - 03/06, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 556,05 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 943,61 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 387,56 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 1.927,72 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 30/05, NHCSXH gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu, tuy nhiên phiên đấu thầu thất bại. Ngày 01/06, KBNN huy động thành công 3.040/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 40/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,37%/năm (+0,03%); 2,67%/năm (+0,03%); 2,75%/năm (không đổi).
Trong tuần vừa qua từ 30/5-01/06 có 1.450 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 06 - 10/06 có 5.750 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 06/06, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 08/06, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.528 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 8.339 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP các kỳ hạn biến động trái chiều. Chốt phiên 3/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,93% (-0,02 đpt); 2 năm 2,03% (+0,01 đpt); 3 năm 2,09% (+0,01 đpt); 5 năm 2,38% (-0,005 đpt); 7 năm 2,89% (+0,03 đpt); 10 năm 3,15% (+0,01 đpt); 15 năm 3,32% (+0,04 đpt); 30 năm 3,43% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 30/05 - 03/06, thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 03/06, VN-Index đứng ở mức 1.287,98 điểm, tương ứng tăng nhẹ 2,53 điểm (+0,20%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,69 điểm (-0,22%) còn 310,48 điểm; UPCom-Index mất 1,12 điểm (-1,18%) xuống 94,17 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 17.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 195 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Ngày 05/06, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết cơ quan này đang nghiên cứu và sẽ đưa ra giải pháp để dỡ bỏ một số thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump. Động thái này xuất phát từ đề nghị của Tổng thống Joe Biden, nhằm hạ nhiệt áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế Mỹ.
Tiếp theo, về lĩnh vực tiêu dùng, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước Mỹ ở mức 106,4 điểm trong tháng 5, giảm nhẹ từ 108,6 điểm của tháng 4 nhưng cao hơn so với 103,9 điểm theo dự báo. PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ do ISM khảo sát ở mức 56,1% trong tháng 5, tăng nhẹ từ 55,4% của tháng 4 và trái với dự báo giảm xuống còn 54,4%.
Ở lĩnh vực dịch vụ, PMI chỉ đạt 55,9% trong tháng vừa qua, giảm xuống từ 57,1% của tháng 4 và thấp hơn mức 56,5% theo dự báo. Liên quan tới thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 390 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 5, thấp hơn không nhiều so với mức 436 nghìn của tháng 4 và tích cực hơn mức 325 nghìn theo kỳ vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 5 vẫn đi ngang ở mức 3,6% như tháng 4, trái với dự báo giảm xuống còn 3,5%. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ trong tháng 5 cũng tăng 0,3% m/m; bằng với mức tăng của tháng 4 và thấp hơn một chút so với kỳ vọng tăng 0,4%.
Eurozone tiếp tục đón các thông tin tiêu cực, đặc biệt về áp lực lạm phát. Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết CPI toàn phần và CPI lõi khu vực Eurozone lần lượt tăng 8,1% và 3,8% y/y trong tháng 5 theo dữ liệu sơ bộ, cao hơn so với 7,5% và 3,5% của tháng 4, đồng thời cùng cao hơn so với mức 7,8% và 3,6% theo dự báo. Đây là mức tăng kỷ lục mới tại khu vực này. NHTW Châu Âu ECB có cuộc họp vào ngày 09/06, và nhiều chuyên gia dự đoán cơ quan này sẽ bắt đầu quá trình tăng LSCS trở lại. Cũng trong tuần qua, EU đồng thuận quyết định cấm 90% sản lượng nhập khẩu dầu từ Nga, bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2022. Điều này khiến thị trường lo ngại giá dầu mỏ sẽ tăng cao hơn và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của chính EU.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ của khu vực Eurozone giảm 1,3% m/m trong tháng 4, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,3% như kết quả đạt được ở tháng 3. PMI lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone chính thức đạt 56,1 điểm trong tháng 5, điều chỉnh xuống nhẹ từ mức 56,3 điểm theo khảo sát sơ bộ, giảm so với mức 57,5 điểm của tháng 4. PMI lĩnh vực sản xuất của khu vực này chính thức ở mức 54,6 điểm trong tháng 5, điều chỉnh tăng nhẹ từ 54,4 điểm theo khảo sát sơ bộ, song vẫn giảm so với 55,5 điểm đạt được ở tháng 4.
Tỷ giá ngày 03/06: USD = 0.933 EUR (0.25% d/d); EUR = 1.072 USD (-0.25% d/d); USD = 0.801 GBP (0.72% d/d); GBP = 1.249 USD (-0.72% d/d); GBP = 1.165 EUR (-0.48% d/d); EUR = 0.858 GBP (0.48% d/d).