Doanh nghiệp dệt may khó khăn chồng chất
Cuộc thử lửa khốc liệt với… ngành dệt may | |
Tăng cường liên kết để chủ động nguyên phụ liệu | |
“Nút thắt cổ chai” của FTAs với ngành dệt may Việt Nam |
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), sản xuất dệt may 7 tháng đầu năm 2020 giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2020, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho hai quý cuối năm, nhất là cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp. Trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhiều doanh nghiệp ngành may trong quý II/2020, thì hiện tại giá nhóm sản phẩm này đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.
Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may từ đầu năm đến nay giảm đến 12%, so cùng kỳ năm 2019. Điều này khiến Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo không khả quan về xuất khẩu của ngành trong những tháng cuối năm 2020, là kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm từ 14%-18% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 chỉ vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019 và là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Nâng cao liên kết chuỗi trong sản xuất là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, từ tình hình thực tế dịch bệnh trong nước và trên thế giới cho thấy, đối với ngành dệt may, quý III và IV/2020, thị trường khẩu trang sẽ bão hoà, các doanh nghiệp sẽ quay lại sản xuất đồ may mặc. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh vẫn bùng phát tại nhiều quốc gia, đầu ra sản phẩm dệt may gặp khó khăn do thiếu thị trường tiêu thụ ổn định.
Nếu trước đây, các đơn hàng doanh nghiệp nhận trước từ 3 - 6 tháng, thì hiện tại đơn hàng dệt may gần như ngưng trệ, chỉ có thể có đơn hàng theo từng tháng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, số lượng đơn đặt hàng sẽ giảm từ 30% - 50%. Trước tình hình này, các doanh nghiệp thuộc Vinatex cũng không thụ động chờ thị trường xuất khẩu hồi phục, mà chủ động tìm nhiều hướng sản xuất mới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì thị trường nội địa không thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp dệt may.
Cụ thể, thị trường nội địa có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 10% đối với năng lực ngành dệt may), trong khi dịch bệnh Covid-19 đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng với giảm chi tiêu của hộ gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh là lương thực, thực phẩm chứ không phải quần áo. Vì vậy, tiêu thụ hàng may mặc tại thị trường nội địa năm 2020 dự kiến tăng không quá 5%, tương đương khoảng 200 triệu -250 triệu USD, con số này quá nhỏ so với quy mô xuất khẩu hơn 39 tỷ USD năm 2019 của doanh nghiệp dệt may cả nước.
Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may cũng đã tự tìm hướng đi riêng, thay đổi cơ cấu sản xuất, tăng sản lượng mặt hàng mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như sợi nhiều hơn sản phẩm may mặc. Hay các doanh nghiệp đang tìm cách cùng nhau nâng cao liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu sợi, dệt, nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển. Đồng thời doanh nghiệp cũng tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.