Gỡ vướng cho nhà ở xã hội: Vấn đề không nằm ở lãi suất
Đẩy mạnh giải ngân hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội: Thách thức còn “bủa vây” |
Theo ông đâu là lý do gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân đang còn khiêm tốn?
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã triển khai được gần một năm. Chính sách này nhằm tạo thêm điều kiện phát triển nhà ở xã hội, hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp của người dân có thu nhập thấp, hướng tới mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.
Theo thống kê, đến nay đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Con số trên là khá khiêm tốn, hay nói cách khác là không đáp ứng được kỳ vọng đặt ra. Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân không nằm ở vấn đề lãi suất cao hay thấp mà sự bất hợp lý vốn đã xuất phát từ trong chính chương trình phát triển nhà ở xã hội, cốt lõi và tiên quyết là việc xác định mục tiêu và đối tượng thật sự của chương trình này.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay?
Vấn đề nhà ở xã hội “tắc” ở mọi khâu. Từ bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, chủ đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đến chất lượng công trình, hạ tầng xã hội đi kèm và điều kiện được mua nhà ở xã hội… Nhức nhối nhất là việc nhà ở xã hội xây xong bị trục lợi chính sách, bán sai đối tượng, thậm chí bỏ hoang vì không bán được.
Trên thực tế, người dân có nhu cầu ở thực và đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hiện có mức thu nhập chỉ đủ sống, thậm chí trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người còn không đủ sống, không có tích lũy. Vì vậy, họ khó có thể mua nhà ở xã hội do không có khả năng trả tiền gốc, chứ chưa kể đến tiền lãi.
Cần nhìn nhận rằng, hiện người dân có thu nhập thấp chỉ có thể thuê nhà chứ chưa có đủ khả năng mua nhà ở xã hội, vì vậy cần đẩy mạnh phát triển thị trường cho thuê nhà ở xã hội thay vì hối thúc thị trường bán nhà giá rẻ hiện nay.
Dưới góc độ các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có nguy cơ sẽ phải vi phạm khi duyệt bán nhà sai đối tượng vì họ không thể bán nhà cho đúng đối tượng được vì phần lớn không đủ điều kiện tài chính để mua. Còn với các ngân hàng, nếu cho vay cũng sẽ dễ sa vào tình trạng cho vay sai đối tượng, hoặc nguy cơ nợ xấu rất lớn vì người dân không đủ khả năng trả nợ.
Vậy cần thay đổi chính sách như thế nào để phát triển nhà ở xã hội đúng với ý nghĩa hướng tới người dân có thu nhập thấp, thưa ông?
Như tôi đã trao đổi, cần thay đổi góc nhìn rằng nhà ở xã hội là để cho thuê chứ không phải để bán. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những hỗ trợ doanh nghiệp về quỹ đất, vốn, có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp như miễn tiền thuê đất… để doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người dân thuê với giá hợp lý.
Có ý kiến cho rằng nên cho người thu nhập thấp thuê nhà miễn phí nhưng phương án cho thuê với giá hợp lý sẽ phù hợp hơn. Bởi trên thực tế, đối tượng này vẫn đã, đang và sẽ thuê nhà trọ trong các khu dân cư, chung cư mini để ở với điều kiện sống gần như không đảm bảo, thậm chí rất tệ, trong khi không được hỗ trợ gì từ phía Nhà nước cũng như người sử dụng lao động.
Thị trường nhà cho thuê vẫn phát triển rất mạnh mẽ suốt hàng chục năm qua, nhất là ở những địa bàn gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa. Vì vậy, đây là một hướng phát triển khả thi với nhà ở xã hội.
Xin cảm ơn ông!