Hành trình tiếp quản ngân hàng sau giải phóng
Kế hoạch bí mật cài người
Ngay từ những ngày đầu tháng 4/1970, sau sự kiện đảo chính của Lon Nol tại Campuchia, hoạt động của Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) bị ngừng lại. Mặc dù toàn bộ số tiền cất giấu ở các căn cứ tại Campuchia trước đó đã được những đơn vị trong ngành Ngân hàng là N.2683 và Ban Ngân tín R-C32 vận chuyển an toàn về căn cứ của Trung ương cục miền Nam tại Tây Ninh, nhưng do cơ sở tại Sài Gòn đã bị lộ, phương pháp chuyển tiền FM (chuyển tiền điện tử thông qua nghiệp vụ thanh toán của các ngân hàng tại Sài Gòn) không còn thực hiện được.
Lúc đó, ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam đã giao nhiệm vụ cho ông Lữ Minh Châu (Ba Châu) bí mật vào Sài Gòn tổ chức lại mạng lưới. Khi vào được Sài Gòn với thẻ căn cước công dân Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Văn Thảo, ông Ba Châu lập tức đi học lớp đào tạo nghiệp vụ ngân hàng ngắn hạn do Ngân hàng Quốc gia (NHTW của chế độ cũ) tổ chức với kế hoạch xin việc tại một ngân hàng ở Sài Gòn. Một thời gian sau, ông chính thức trở thành thư ký Hội đồng quản trị rồi trở thành Giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn Tín dụng.
Tòa nhà Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là trụ sở NHNN Việt Nam tại TP.HCM) |
Với “vỏ bọc” là nhân viên của các tổ chức tín dụng tại Sài Gòn, trong suốt các năm từ 1970 đến trước tháng 3 năm 1975, ông Lữ Minh Châu âm thầm tìm hiểu toàn bộ hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn. Ông liên tục đi lại các chi nhánh ngân hàng thuộc khu vực các tỉnh Đông và Tây Nam bộ để kết nối các cơ sở hoạt động ngầm. Phương pháp chuyển tiền FM theo đó được nối lại. Dòng đô la Mỹ “biến hóa” thành tiền Sài Gòn chuyển vào chiến trường được tiến hành nhanh chóng.
Giữa tháng 3 năm 1975, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột thành công. Từ thắng lợi lớn này, Đảng quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sớm hơn dự định. Ông Ba Châu một lần nữa được Trung ương cục miền Nam gọi lên, giao nhiệm vụ trở thành đầu mối, bí mật nắm chắc hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn, đặc biệt là Ngân hàng Quốc gia, bộ máy phát hành tiền, kho tiền và kim khí quý… để chuẩn bị đón quân Giải phóng vào tiếp quản.
Hai mươi ngày chuẩn bị tiếp quản
Thực hiện chỉ đạo, ông Ba Châu và các đồng đội đã bí mật được cài cắm trong nội bộ các tổ chức tín dụng tại Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho, Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam gấp rút chuẩn bị cho việc tiếp quản hệ thống ngân hàng. Ngày 10/4/1975 Ủy ban Quân quản được thành lập tại Trung ương cục miền Nam. Theo đó, Trung ương cục trực tiếp chỉ thị các đơn vị thuộc Ban Kinh tài gấp rút chuẩn bị các công tác phục vụ tiếp quản Sài Gòn.
Đơn vị Ngân tín R-C32 được phân công trên danh nghĩa “Ban Quân quản K3” làm nhiệm vụ tiếp quản hệ thống ngân hàng tại các khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định. Ông Ba Châu được cử làm Trưởng đoàn Quân quản, ông Trần Quang Dũng (Ba Dũng, C Phó R-C32) giữ chức vụ Phó đoàn. Các ông Lý Hồng, Nguyễn Thành Nguyên, Phạm Văn Hài… lần lượt được bố trí làm ủy viên, chịu trách nhiệm tổ chức anh em cán bộ C32 chuẩn bị hành quân tiến về Sài Gòn.
Ngày 19/4/1975, quân giải phóng đã tiến vào đến Phan Thiết và hệ thống ngân hàng tại các tỉnh, thành phố như Bình Trị Thiên, Đà Nẵng được tiếp quản, Trung ương Cục ở miền Nam ra Chỉ thị: “Gấp rút chuẩn bị bộ máy tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng, tín dụng qua hồ sơ tài liệu và các nguồn khai thác…”.
Trong suốt các ngày từ 19-29/4/1975, Ban Quân quản K3 bí mật liên tục tập hợp lực lượng, kết nối mạng lưới cán bộ đang cài cắm ở các ngân hàng tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam để sẵn sàng cho việc tiếp quản hệ thống hồ sơ, tài liệu, kho tiền và kim quý. Mọi việc được tiến hành hết sức khẩn trương và gấp rút. Rạng sáng ngày 29/4/1975, đơn vị Quân quản K3 nhận được lệnh hành quân sau gần 20 ngày chuẩn bị.
“Tình hình lúc đó, ta quyết chiến thắng để giải phóng Sài Gòn, còn địch thì quyết tử thủ. Vì thế không chỉ đơn giản là về tiếp nhận mà K3 phải chuẩn bị sẵn tinh thần cùng bám trụ, cùng chiến đấu, có thể là hy sinh” - ông Nguyễn Thành Nguyên, một cán bộ trong đoàn Quân quản K3 kể lại.
Khi bắt đầu di chuyển từ căn cứ Đồng Ban (Tây Ninh), đoàn Quân quản K3 được phân công đi cùng với các đơn vị bộ đội và khối Dân chính Đảng trong căn cứ bao gồm các ngành Tài chính, Ngân hàng, Thương nghiệp, Nông nghiệp, Giao bưu... Riêng lực lượng tiếp quản của K3 gồm 3 trung đội được phân công trên 3 xe jeep, 1 xe tải được trang bị vũ khí và lương thực.
Ngày đầu tiên đoàn tiếp quản đi trong tiếng súng và phi cơ chiến đấu với tốc độ chậm vì luôn phải để ý thăm dò tình hình. Khi về tới Dầu Tiếng (thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh), cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt, đoàn phải nghỉ lại qua đêm. “Lúc đấy ai cũng có một chiếc đài ba pin nhỏ, luôn bật để nghe ngóng tin tức. Khoảng sáng ngày 30/4/1975 thì bắt đầu nhận được tin Dương Văn Minh đã chính thức tuyên bố đầu hàng. Thế là không quản giờ giấc gì nữa, tất cả các xe đều mở hết tốc lực tiến thẳng về phía Sài Gòn “- ông Nguyễn Thành Nguyên nhớ lại.
“Dĩ dân vi bản” để bảo toàn hệ thống
Sáng ngày 1/5/1975, Đoàn Quân quản K3 từ Trường Kỹ thuật Cao Thắng (nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1) di chuyển đến tiếp quản Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Có khoảng gần 11.000 cán bộ, nhân viên thuộc 22 ngân hàng trong nước và 14 ngân hàng nước ngoài đến trình diện tại trụ sở để nghe Trưởng đoàn tiếp quản Lữ Minh Châu đọc lệnh và công bố quyền điều hành của Ban Quân quản K3. Sau khi lệnh này được ban ra, lập tức các bộ phận trong đơn vị quân quản tiếp cận các ngân hàng tiến hành khóa sổ kho quỹ, tiếp nhận hồ sơ nhân sự và sổ sách tài liệu.
Nhận thức được việc sử dụng lại nguồn nhân lực của các ngân hàng chế độ cũ là điều cần thiết quyết định đến thành công của việc tiếp quản, ngay ngày 1/5 Ban Quân quản K3 tổ chức hội nghị quán triệt “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Tại hội nghị này, hầu hết các cán bộ, nhân viên của các ngân hàng đều đến tham dự. Từ chỗ hoang mang lo ngại, nhiều người rất vui mừng và hợp tác một cách rất chân thành và đầy thiện chí với Ban Quân quản K3.
Ông Phạm Văn Hài, một cán bộ Đoàn Quân quản K3 cho biết, ngay từ đầu anh em trong Ban Quân quản đã quán triệt khi đến tiếp quản chỗ nào thì đều phải xử lý thấu tình đạt lý. Tất cả những nhân viên cũ muốn ở lại làm việc đều được giải quyết nhanh chóng để không gây ra xáo trộn lớn. Ông Nguyễn Thành Nguyên, người trực tiếp tiếp quản hệ thống sổ sách kế toán của các ngân hàng tại Sài Gòn cho biết: “Anh em cán bộ ngân hàng cũ lúc đầu còn dè dặt. Sau đó thấy mình (cán bộ đoàn Quân quản K3-PV) đối xử tử tế, không hách dịch, kẻ cả nên họ bắt đầu hợp tác. Bao nhiêu tài liệu, tiền bạc, hồ sơ giấy tờ cất ở đâu, còn thiếu chỗ nào họ đều giúp mình nắm lại hết”.
Chính nhờ sử dụng lại đội ngũ nhân lực của các ngân hàng cũ, chỉ một tuần sau ngày Giải phóng, tất cả các ngân hàng ở Sài Gòn đã hoạt động trở lại bình thường. Hầu hết các hồ sơ, tài liệu đều không bị mất mát. Các quyền lợi nghĩa vụ theo hợp đồng đều được thông báo do Ban Quân quản kế thừa tiếp nhận. Vì thế không chỉ các ngân hàng trong nước mà cả các nước ngoài có trụ sở tại Sài Gòn thời điểm đó đều hợp tác chặt chẽ với Ban Quân quản K3.
Gần một tháng sau ngày Giải phóng, nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm của nhân dân và tiền gửi thanh toán của các tổ chức thúc bách, Chính phủ Cách mạng Lâm thời cần phải thành lập một ngân hàng mới để thực hiện tiếp nhận và giải quyết tất cả các nghĩa vụ, quyền lợi mà các ngân hàng cũ để lại. Nhằm đáp ứng yêu cầu cả đối nội, đối ngoại hài hòa, ngày 6/6/1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra Nghị định thành lập ngân hàng, lấy lại tên cũ là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ông Trần Dương được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Tiếp sau đó, Ngân hàng Quốc gia tiếp tục ra quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn - Gia Định và bổ nhiệm ông Lữ Minh Châu làm giám đốc.
Bằng việc lấy lại tên gọi cũ và sử dụng lại hầu như toàn bộ đội ngũ nhân sự của các ngân hàng tại Sài Gòn trước đó, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã kế tục được vai trò thành viên của chế độ cũ tại các tổ chức tài chính quốc tế IMF, WB, ADB... Đồng thời, tranh thủ những khoản tín dụng của IMF, WB mà Ngân hàng Quốc gia cũ chưa sử dụng đến như một thành quả của cách mạng mới giành được. Điều quan trọng, chính là cảm quan chính trị nhạy bén khi quyết định lấy tên gọi Ngân hàng Quốc gia đã mở ra cánh cửa mới đưa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào vị trí thành viên chính thức của các tổ chức tài chính quốc tế quan trọng vào tháng 9/1976. Đặt nền tảng cho việc những năm sau đó Chính phủ tiến hành thống nhất tiền tệ chung của cả nước và chuyển đổi toàn bộ hệ thống ngân hàng từ mô hình một cấp sang mô hình hai cấp vận hành theo cơ chế thị trường kéo dài cho đến hiện nay.y
(Ghi theo lời kể của các ông Nguyễn Thành Nguyên, Phạm Văn Hài, Nguyễn Văn Giàu, Hoàng Xuân Tùng – nguyên cán bộ Ban Quân quản K3)