Hiến kế gỡ vướng cho các dự án nghìn tỷ
Vướng vì không có thẩm quyền
19 tập toàn kinh tế nhà nước và tổng công ty thuộc Ủy ban có nhiệm vụ triển khai nhiều dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng nhiều dự án đang mắc ở Ủy ban. Cả 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đều không hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 về đầu tư phát triển, giải ngân thấp… làm ảnh hưởng kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước.
Đơn cử như dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2019. Nhưng đến nay Ủy ban vẫn không thể phê duyệt dự án này vì cả Luật Đầu tư (Luật số 67), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (Luật số 69) đều không quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban. Cũng vì dự án đi qua nhiều tỉnh khác nhau nên Ủy ban cũng vướng không biết UBND tỉnh nào là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư. Ủy ban cho biết Luật 69 và Nghị định 131/NĐ-CP cũng không quy định nội dung, trình tự và thủ tục phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu… nên Ủy ban cũng “vướng”.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang phải đề xuất Chính phủ cho tạm dừng |
Vướng mắc cũng xảy ra với hàng loạt dự án lớn của ngành giao thông. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có nhiều dự án bị đình trệ do chưa xác định được cơ quan nào có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan hoạt động đầu tư. Điển hình là dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dù đã triển khai hơn 70% khối lượng công việc, nhưng đang phải đề xuất Chính phủ cho tạm dừng xây dựng tới khi có vốn để tránh phát sinh các rủi ro pháp lý.
Theo Luật số 67 thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư là của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Trong khi Luật 69 lại quy định thẩm quyền phê duyệt dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu với dự án của DN mà Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Theo phân tích của Bộ KH&ĐT các quy định của Luật 67 và Luật 69 hoàn toàn khác nhau. Luật 67 nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước với hoạt động đầu tư. Quy định của Luật số 69 nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý vốn nhà nước tại DN, là cơ sở để DN quyết định dự án đầu tư. Vì vậy Bộ KH&ĐT cho rằng việc giao cho Ủy ban quyết định chủ trương đầu tư là không phù hợp với quy định của Luật 67 và Luật 69.
Các bộ tiếp tục quyết định đầu tư
Theo Bộ KH&ĐT, những vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty không hoàn toàn xuất phát từ tính đặc thù của dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban. Đây là vướng mắc chung đối với nhiều dự án khác do Luật số 67, và Luật số 69, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thiếu cụ thể, không thống nhất, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Do đó, để hoạt động đầu tư của DN sẽ không còn bị ách tắc, Ủy ban không bị vướng thì cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật.
Nhưng trước hết, trong khi chờ sửa luật, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc xử lý vướng mắc đối với số dự án đầu tư của các DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Nghị quyết này gồm 2 nội dung: Một là: Giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện quy định của các Luật có liên quan. Hai là xử lý ngay một số vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hướng xử lý được Bộ K&ĐT đề nghị trong dự thảo Nghị quyết là giao các bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản quyết định đầu tư. Giải pháp này được áp dụng với các dự án sử dụng vốn đầu tư công đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và các dự án sắp hoàn thành đang trong quá trình quyết toán, thanh toán nhưng chưa tính vào vốn nhà nước đầu tư tại DN… Bộ Tài chính, Bộ Giao thông-Vận tải và Ủy ban cũng thống nhất với hướng này. Nhưng Bộ Công thương cho rằng việc giao lại dự án cho các bộ ngành quản lý sau khi DN đã về Ủy ban là không phù hợp với nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý DN mà Ủy ban được giao.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tiếp tục thực hiện việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách cho các bộ và tập đoàn, tổng công ty đã chuyển về Ủy ban như cơ chế trước đây. Còn đối với các dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của DN sẽ do Ủy ban tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Bộ KH&ĐT cho biết, trong quá trình tham gia ý kiến về việc xử lý vướng mắc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, Bộ đã đề xuất giao Bộ Giao thông – Vận tải là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư và các dự án này đang trong quá trình thực hiện.
Về phía Ủy ban cũng cho biết, hiện nay, khối lượng dự án từ các bộ, ngành quản lý chuyển giao về quá lớn, đặc biệt là dự án của EVN, VEC, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam… Những công việc chưa được xử lý dứt điểm trong quá trình thực hiện các dự án này còn khá nhiều, phức tạp và tồn đọng qua nhiều thời kỳ; việc xử lý kéo dài không chỉ ảnh hưởng hiệu quả dự án mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN. Vì vậy Ủy ban đề nghị giao các bộ tiếp tục xử lý một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho đến khi hoàn thành nghiệm thu, quyết toán.