Không “phó mặc” dự án PPP cho nhà đầu tư
Vì sao dự án PPP chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? | |
Nên áp sàn cho quy mô dự án PPP? | |
Dự án PPP phải có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng |
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung và điều chỉnh tiến độ đầu tư nhiều tuyến cao tốc trong quy hoạch. Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng giám đốc Tổng Công ty tư vấn GTVT (TEDI) cho biết, việc bổ sung và điều chỉnh một số tuyến cao tốc nhằm thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng đề nghị của địa phương, căn cứ trên nhu cầu thực tế của các khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng, miền.
|
Cụ thể, đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc, bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đoạn Chợ Mới – TP. Bắc Kạn (34 km), tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (81 km). Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đề xuất bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 21 km. Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Nam, bổ sung tuyến cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) dài 65 km, tuyến Trung Lương - Bến Tre dài 50 km, Hồng Ngự - Trà Vinh (166 km), kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề, dài khoảng 30 km.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tiến trình đầu tư từ sau 2030 về trước năm 2030 đối với 4 tuyến cao tốc: Trà Lĩnh - Đồng Đăng, Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
Ông Trần Minh Phương - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, việc bổ sung quy hoạch hệ thống đường cao tốc cũng căn cứ trên nhu cầu của NĐT nhằm huy động nguồn vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, với các dự án quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trường hợp không huy động được nguồn vốn tư nhân, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, hỗ trợ đầu tư và phối hợp với các địa phương để ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện.
Chẳng hạn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình khó khăn, đi qua nhiều sông ngòi, khu vực sình lầy, nền đất yếu, điều kiện địa chất, địa hình, thủy văn phức tạp, nguồn vật liệu khan hiếm. Vì vậy các công trình ở khu vực này gặp nhiều khó khăn khi huy động nguồn vốn đầu tư do kinh phí đầu tư thường cao hơn so với các vùng khác. Đặc biệt, khu vực này có điều kiện thuận lợi cho vận tải thủy nên nhu cầu vận tải đường bộ sẽ bị san sẻ lớn, giảm sự hấp dẫn của phương án tài chính cho các dự án khi kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Mặc dù bổ sung vào quy hoạch các dự án theo nhu cầu của NĐT, song theo ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sẽ không có chuyện “phó mặc” dự án cho NĐT thực hiện mà không căn cứ trên hiệu quả. Bởi hiện nay trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề xuất phương án thành lập hội đồng thẩm định các cấp để đánh giá nhu cầu, hiệu quả dự án.
Hiện nay cơ chế Hội đồng thẩm định nhà nước vẫn đang duy trì với các dự án quan trọng quốc gia. Đối với các bộ và địa phương khi có dự án trong thẩm quyền của mình thì có thể lập hội đồng thẩm định. Tuy nhiên theo ông Trương, có thực tế là ở một số cấp hội đồng thẩm định sơ sài, không đúng bản chất, mang tính hoàn thiện thủ tục là chính.
Nghiên cứu từ mô hình các quốc gia thành công với PPP cho thấy, hầu hết làm PPP tập trung chứ không phân cấp như Việt Nam hiện nay, vì đây là trách nhiệm và cam kết của nhà nước. Vì vậy việc quyết định và sử dụng tài chính công, tài sản công phải ở cấp cao mới bảo đảm được. Ví dụ ở Hàn Quốc có hội đồng của Bộ Kinh tế tài chính; Pháp có văn phòng chịu trách nhiệm thẩm định; Canada có hội đồng của các bang hoặc chính quyền cấp cao thành lập hội đồng thẩm định.