Khung chính sách mới giúp bất động sản miền Trung tăng tốc
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư lớn - những “con đại bàng” đã đến với miền Trung từ rất sớm và cũng đã thành công trong việc dẫn dắt thị trường bất động sản tại khu vực này bùng nổ một cách sôi nổi.
Đà Nẵng và Nha Trang là hai thành phố lớn tại miền Trung đã phát triển mạnh mẽ nhờ tận dụng được các lợi thế, tiềm năng đối với kinh tế biển và hoạt động kinh tế du lịch. Hy vọng 2 thành phố này sẽ phát triển mạnh để trở thành đầu tàu lan tỏa, kéo các hoạt động kinh tế du lịch ở những vùng xung quanh đi lên. Theo ông Nguyễn Văn Đính, kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn tại khu vực miền Trung. Do vậy, các dự án bất động sản ở khu vực này phần lớn là phát triển về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Ông Giáp Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT AVland Group cho rằng, giá bất động sản miền Trung đang rất thấp, từ phân khúc nghỉ dưỡng đến nhà ở so với các miền Bắc và miền Nam. Các nhà đầu tư luôn tìm đến khu vực có giá thấp để đón đầu xu hướng đầu tư. Bởi giá thấp thì tiềm năng tăng trưởng cao.
Dải đất miền Trung có rất nhiều lợi thế phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lớn cho rằng thị trường bất động sản khu vực này vẫn chưa đủ thông thoáng. Một số nghị định, thông tư hoặc pháp luật điều chỉnh bất động sản chưa cập nhật với tình hình thực tế.
Một số tỉnh trong quá trình làm việc vẫn chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Thậm chí, ở một số khu vực môi trường cạnh tranh còn thiếu lành mạnh.
Theo ông Lưu Thanh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Saco, hiện đang xảy ra tình trạng các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận dự án ở miền Trung gặp vướng mắc trong khâu pháp lý. Ví dụ như thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ. Hay còn thiếu những dự án quy mô để thu hút cho các nhà đầu tư.
Còn theo bà Đào Thị Thu Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Virex, Alphanam Group, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và đã sớm bước chân vào thị trường bất động sản miền Trung, doanh nghiệp hiểu rằng còn nhiều “khoảng trống" cơ chế cho quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không thể chờ cơ chế, song song với việc chờ thì các vấn đề của doanh nghiệp vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ, do đó, doanh nghiệp phải có tiếng nói.
Để thị trường bất động sản miền Trung hồi phục và phát triển, bà Đào Thị Thu Giang cần phải có hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng, có thể “sàng lọc” doanh nghiệp, lựa chọn những doanh nghiệp đầu tư có định hướng bền vững lâu dài, “làm sạch” thị trường bất động sản. Các giao dịch M&A (mua bán và sát nhập) là một xu thế của bất động sản miền Trung trong thời gian tới.
Khu vực miền Trung đã được quan tâm tương đối với các dự án hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tiến độ các dự án hạ tầng này hiện vẫn là vấn đề nhức nhối, chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai như ở các dự án cao tốc Bắc – Nam… Do đó, cần làm ngay, đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng để thúc đẩy thị trường bất động sản.
Đặc biệt cần có sự nhìn nhận đúng đắn về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng để từ đó có giải pháp tổng thể cho vấn đề này.
“Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để mở cửa du lịch, tạo đà cho phát triển bất động sản miền Trung. Có kế hoạch mở cửa rõ ràng và đảm bảo sự hồi phục cho thị trường, cho hoạt động của doanh nghiệp”, bà Đào Thị Thu Giang chia sẻ.
Về cơ sở pháp lý liên quan tới hoạt động bất động sản, bà Hoàng Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đã quyết liệt chỉ định các Bộ, ngành phối hợp để ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản.
Một số chính sách mới có thể kể đến như Nghị định 30/2021, Nghị định 49/2021, Nghị định 69/2021… và đặc biệt mới đây là Nghị định 02 sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.
Theo bà Hoàng Thu Hằng, các chính sách quan trọng đang được Bộ nghiên cứu, sửa đổi, nổi bật nhất là 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội sửa luật.
Bà Hằng cho biết, trong các dự thảo trên có 4 nhóm chính sách lớn. Thứ nhất là nhóm chính sách liên quan đến kinh doanh bất động sản. Dự thảo làm rõ hơn phạm vi, các đối tượng loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh. Cụ thể hơn về các trường hợp công trình, nhà ở có sẵn, công trình, nhà ở hình thành trong tương lai.
Dự thảo sẽ làm rõ một số quy định, chính sách này sẽ bổ sung quy định về chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất trong các dự án. Hiện trong luật cũ đã có quy định chuyển nhượng, song, vẫn còn một số vướng mắc chồng chéo với Luật Đất đai.
Thứ hai là nhóm quy định về kinh doanh bất động sản, cụ thể là các quy định làm rõ vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các sàn bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, các cơ sở đào tạo môi giới bất động sản. Dự thảo này sẽ đưa các nội dung về việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn.
Thứ ba, chính sách liên quan đến điều tiết thị trường. Đây là chính sách mới nhằm làm rõ nét phân định vai trò liên quan của các đơn vị quản lý để điều tiết thị trường.
Thứ tư, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như xây dựng các hệ thống thông tin về thị trường động sản. Đồng thời, một điểm quan trọng nữa là quy định, phân định trách nhiệm cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ ngành, các địa phương để tránh việc chồng chéo cũng như ngăn chặn việc sai phạm có thể xảy ra trong thị trường bất động sản.
Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các chính sách làm sao để phát triển các dòng bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường đặc biệt là các sản phẩm nhập thấp, nhà ở xã hội; Khơi thông thủ tục pháp lý, thúc đẩy nguồn cung cho thị trường bất động sản.