Mô hình “3 tại chỗ”: Linh hoạt để doanh nghiệp yên tâm sản xuất
Nỗ lực với sản xuất “3 tại chỗ” | |
Dệt may lo trễ đơn hàng vì dịch bệnh | |
Doanh nghiệp thay đổi để ứng phó với Covid |
Doanh nghiệp vừa làm vừa lo
Thực tế, sau gần 1 tháng các tỉnh thành phía Nam áp dụng phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” đã bộc lộ nhiều vấn đề. Hàng loạt doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” đã phải tạm dừng hoạt động vì xuất hiện ca nhiễm bệnh.
Đơn cử như tại tỉnh Tiền Giang, chính quyền tỉnh này vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8/2021, trước đó đã có hàng trăm ca nhiễm bệnh từ hai công ty trên địa bàn.
Với những doanh nghiệp có hàng nghìn người lao động như dệt may, thực hiện “3 tại chỗ” là một thách thức lớn |
Hiện toàn tỉnh có khoảng 70 doanh nghiệp đang áp dụng phương án “3 tại chỗ” với hơn 12.000 lao động. Ngay khi có quyết định trên, một doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu và nêu rõ, đã chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, việc dừng đột ngột hoạt động sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Hay như tại Bình Dương, toàn tỉnh có 3.700 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên mới đây, hàng loạt doanh nghiệp tại tỉnh này đã phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 và buộc phải ngừng hoạt động sản xuất.
Đại diện một số doanh nghiệp thừa nhận đang trong tình cảnh “vừa làm vừa lo”. Nhiều đơn hàng đã đến kỳ hạn giao hàng, nếu không thực hiện được hoặc chậm trễ, doanh nghiệp sẽ phải đền đơn hàng, ngưng nhận đơn hàng, việc phục hồi sau dịch là rất khó.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mô hình trên chỉ có tính khả thi với những doanh nghiệp ít người lao động, còn đối với những doanh nghiệp có hàng nghìn người lao động như dệt may, da giày thì đây là một thách thức cực kỳ lớn. Ngoài ra, việc kiểm soát người lao động, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cũng là một bài toán khó. Thực tế nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã phát sinh ổ dịch và lúng túng trong khâu xử lý, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận dừng sản xuất làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng.
Linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, với mô hình “3 tại chỗ”, không nên bắt buộc mà để doanh nghiệp tự quản lý và chịu trách nhiệm. Với những doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện, còn đối với doanh nghiệp chưa đủ khả năng để áp dụng mô hình trên thì có thể thu hẹp quy mô, thực hiện giãn cách trong sản xuất.
Khi đó, doanh nghiệp tùy theo nguồn lực của mình mà tìm ra phương án phù hợp nhất và vẫn đảm bảo an toàn. Đồng thời cũng yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản cụ thể khi có ca nhiễm trong công ty.
Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp phía Nam - với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cũng đã gửi thư khẩn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề xuất về việc mô hình “3 tại chỗ” cần có sự thay đổi phù hợp.
Thông tin tình hình doanh nghiệp, Ban IV cho biết: “Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn”.
Chính vì vậy, Ban IV kiến nghị Chính phủ cần giao Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/thành ưu tiên bố trí nguồn vaccine để có kế hoạch triển khai. Cùng với TP.Hồ Chí Minh, cần ưu tiên tiêm cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai… để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.
Ông Lê Văn Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, phải nhanh chóng tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy, đây là mấu chốt quan trọng để không đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và đảm bảo mô hình “3 tại chỗ” được an toàn và hiệu quả. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng giải pháp tiêm vaccine cho người lao động là cần thiết, cần ưu tiên những doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.
Đồng thời, bà Thảo nhấn mạnh, trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, cần bám sát vào vấn đề của doanh nghiệp để có thể hỗ trợ đúng nhu cầu doanh nghiệp cần. Trong đó, vấn đề về vaccine và quy định phòng chống dịch là điều quan trọng, phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương chứ không phải mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.