Fintech thâm nhập lĩnh vực chứng khoán
Thời điểm thử thách lòng tin Kinh tế toàn cầu tích cực sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán |
Hợp tác đầu tư chứng khoán
Công ty Chứng khoán DNSE và ví điện tử ZaloPay đã hợp tác ra mắt sản phẩm tài khoản chứng khoán đầu tiên trên ví điện tử tại Việt Nam, cho phép nhà đầu tư trực tiếp đăng ký và giao dịch chứng khoán qua tài khoản Entrade X của DNSE ngay trên ví điện tử ZaloPay mà không cần phải chuyển đổi nền tảng. Bà Phạm Thị Thanh Hoa, Tổng giám đốc DNSE cho biết, việc hợp tác với ZaloPay nhằm thúc đẩy giao dịch chứng khoán “một chạm đa nền tảng”, từ đó phổ cập và bình dân hóa đầu tư chứng khoán đến với nhiều tầng lớp người dân. “Với việc tích hợp tính năng đầu tư chứng khoán, người dùng chỉ cần đăng nhập ví điện tử ZaloPay, chọn biểu tượng (icon) “Tài khoản chứng khoán” trên màn hình, xác nhận các thông tin là có thể ký hợp đồng mở tài khoản. Từ tài khoản này, người dùng có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin các mã cổ phiếu và bắt đầu giao dịch mua bán từ 1 cổ phiếu trở lên”, bà Hoa cho biết.
Không chỉ có DNSE và ZaloPay, vài năm trở lại đây, hoạt động hợp tác giữa các công ty chứng khoán với các ví điện tử và các fintech nói chung để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tư vấn, đầu tư chứng khoán đã xuất hiện khá nhiều và bắt đầu có sự cạnh tranh sôi động. Chẳng hạn, từ cuối năm 2022, ví điện tử MoMo đã hợp tác với Quỹ SSIAM (thuộc Công ty chứng khoán SSI) để triển khai sản phẩm đầu tư các chứng chỉ quỹ mở SSI-SCA và VLGF do công ty này quản lý. Kế đó, ví này cũng hợp tác với IPAAM triển khai các sản phẩm chứng chỉ quỹ VNDAF và chứng chỉ quỹ trái phiếu VNDBF. Gần đây nhất, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) cũng đã hợp tác với MoMo nhằm triển khai 4 loại chứng chỉ quỹ do mình quản lý.
Ngày càng nhiều fintech và ví điện tử tham gia tư vấn, đầu tư chứng khoán |
Không chỉ các ví điện tử, nhiều công ty fintech cũng tăng cường hợp tác với các công ty chứng khoán để bước chân vào lĩnh vực tư vấn, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu. Chẳng hạn, theo số liệu của FireAnt công bố, nền tảng FireAnt Web Platform và ứng dụng FireAnt Mobile của doanh nghiệp này đã đạt mốc một triệu người dùng, với khoảng 200.000 nhà đầu tư hoạt động mỗi ngày.
Ông Nguyễn Võ Long, Chủ tịch FireAnt cho biết, ứng dụng hỗ trợ đầu tư FireAnt Mobile của doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động như một ví điện tử giúp liên kết công ty chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân. Trong đó tích hợp các dữ liệu phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản và bộ lọc cổ phiếu giúp nhà đầu tư mới đưa ra các quyết định mua bán phù hợp.
Một fintech khác là Finhay mới đây cũng đã chuyển đổi thành “Nền tảng đầu tư thông minh VNSC by Finhay” với tính năng Auto Invest (hỗ trợ đầu tư tự động) giúp nhà đầu tư chủ động thiết lập những chiến lược đầu tư, không tốn thời gian theo dõi. Fintech này đang được đánh giá là một trong những “fintech chứng khoán” thành công trong việc thu hút nhóm khách hàng trẻ làm công việc văn phòng, có khối lượng tiền rảnh rỗi vừa phải và có nhu cầu đầu tư nhưng ít thời gian.
Xu hướng mới cần thí điểm, kiểm soát
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc các fintech nói chung và các ví điện tử nói riêng lấn sân sang lĩnh vực tư vấn, đầu tư chứng khoán là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng phổ biến. Bởi sau thời gian phát triển mạnh trong lĩnh vực trung gian thanh toán, hiện nay nhiều ví điện tử đã nhận được hợp tác đầu tư lớn và quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi tích hợp liên tục nhiều tính năng, tiện ích mới để giữ chân người dùng.
Đối với các ví điện tử có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán thương mại điện tử, thanh toán trong các hệ sinh thái kinh tế chia sẻ, việc tiếp tục mở rộng hợp tác và “nhúng” tính năng thanh toán vào các nền tảng của các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính sẽ vẫn tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh. Mảng tư vấn đầu tư chứng khoán cũng sẽ là một kênh nhiều tiềm năng để các ví khai thác trong những năm tới. Trong đó hoạt động hợp tác, thậm chí mua lại công ty chứng khoán (MoMo và CVS) sẽ giúp bổ trợ về pháp lý để các ví điện tử cung cấp các dịch vụ tư vấn, đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, đối với các công ty chứng khoán các hợp tác này cũng sẽ giúp đa dạng hóa, bình dân hóa sản phẩm và tăng hiệu quả thu hút nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, thực trạng nở rộ các fintech, ví điện tử cung cấp sản phẩm tài chính cá nhân, chứng khoán cũng đặt ra bài toán với cơ quan quản lý. Năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng phát đi khuyến cáo tới nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cấp phép. Trong khi đó, hiện nay Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) vẫn chưa được ban hành.
Theo các chuyên gia, để hoạt động cung cấp các sản phẩm tư vấn, đầu tư chứng khoán thông qua các fintech, ví điện tử có điều kiện phát triển mạnh và an toàn thì Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán cần nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới như IA, Bigdata, blockchain, công nghệ sinh trắc học và các công nghệ nền tảng để tích hợp với fintech. Trước mắt, nên có các quy định hướng dẫn việc cấp phép cho áp dụng thí điểm các dịch vụ cơ bản như e-KYC, giao dịch thuật toán, tư vấn và môi giới đầu tư, quản lý danh mục đầu tư… đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán.