Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Phát huy nguồn nội lực to lớn
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, 10 năm qua, ngành Công Thương cùng với các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa.
80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại như siêu thị |
Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Cuộc vận động cũng đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành Dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành Da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm.
Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Tại Hội nghị, các CEO của Tập đoàn lớn đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thông qua buổi Tọa đàm với chủ đề “Khát vọng và hành động phát triển hàng Việt Nam”.
Ngay sau Chương trình nghệ thuật với nhiều nghệ sĩ tên tuổi là Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm tôn vinh các tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực trong 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thông điệp “Tự hào hàng Việt Nam”; “Mỗi người Việt là một đại sứ hàng Việt” một lần nữa truyền cảm hứng đến hàng ngàn đại biểu tại Hội nghị và hàng triệu người tiêu dùng theo dõi qua màn ảnh nhỏ của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cùng với Hội nghị là Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương, diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, từ ngày 21-22/5/2019, với sự tham gia của các tập đoàn lớn, trưng bày những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất, có hàm lượng công nghệ cao, như: Vinfast, Bia Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Polyco, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex… đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách tới thăm quan.