Nguyên nhân khiến việc liên kết ngành lỏng lẻo
Theo các chuyên gia, cần cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. |
Các ngành còn phụ thuộc vào bên ngoài
Mọi dự báo đều cho rằng trong giai đoạn tới, kinh tế thế giới và trong nước sẽ khó khăn và bất định hơn. Cục diện liên kết kinh tế - thương mại toàn cầu và khu vực biến chuyển phức tạp, nhanh và sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn. Chiến tranh thương mại, xung đột chính trị có xu hướng kéo dài. Các mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng. Đây đều là thách thức lớn đối với nền kinh tế và các ngành, doanh nghiệp của Việt Nam.
“Việt Nam với địa lý là cửa ngõ của ASEAN, tiếp giáp với Trung Quốc… được dự báo sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng từ các biến động này, và Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các ngành và tăng tính tự chủ, khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài" - TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo.
Báo cáo ngày 6/9 từ CIEM chỉ ra, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế còn nhiều hạn chế; trong đó có 3 tồn tại chính.
Thứ nhất, cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả; cơ cấu ngành kinh tế kém năng động; không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, về cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu, về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong đó ít hình thành các ngành nghề mới, sản phẩm mới, do đó chưa đóng góp đáng kể vào cơ cấu lại các ngành.
Thứ hai, chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển; các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh; sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị.
Thứ ba, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của ngành kinh tế còn nhiều hạn chế; trong đó tăng trưởng kinh tế, các ngành còn phụ thuộc vào bên ngoài cả về vốn, công nghệ và thị trường…
Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo này cho biết, những hạn chế này một phần do chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ, đổi mới công nghệ còn chậm.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế không kéo theo sự dịch chuyển lao động tương ứng. Năng lực sản xuất của một số ngành công nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu do liên kết ngành chưa phát triển đồng bộ, thiếu đầu tư vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn như hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay công nghiệp hỗ trợ.
Khái niệm cụm liên kết ngành còn bị hiểu sai
TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh tới vai trò của việc cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng cụm liên kết ngành và tăng cường tính chống chịu.
Về bản chất, việc cơ cấu lại và phát triển các cụm liên kết ngành là tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp trong các ngành riêng biệt, nhằm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như giúp đa dạng hóa nền kinh tế.
Khi các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh tế (từ khâu đầu vào, cung ứng dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ tới khâu sản xuất cuối cùng) cùng liên kết, hợp tác phát triển sẽ tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo ra được sức cạnh tranh và sức chống chịu tốt hơn cho từng doanh nghiệp nói riêng, cũng như các ngành kinh tế nói chung trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế.
Đổng thời, phát triển các cụm liên kết ngành sẽ tạo ra ảnh hưởng kinh tế ngoại ứng (bên ngoài mỗi doanh nghiệp) thông qua mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong cụm liên kết.
Ông Nguyễn Văn Tùng từ CIEM phân tích thêm, cụm liên kết ngành tạo ra sức hút về cơ hội cho các doanh nghiệp mới hình thành, xuất thân từ các ý tưởng start-up. Các doanh nghiệp hoạt động ở những nơi trong hoặc gần cụm liên kết ngành sẽ dễ dàng nhận ra những cơ hội từ các sản phẩm, dịch vụ hay nhà cung ứng mà các cụm liên kết ngành đang thiếu.
Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chọn các nhà cung cấp trong cụm cụm liên kết ngành để hạn chế rủi ro cũng như tăng cường khả năng kiểm soát chất lượng đầu vào.
Kiến nghị một số giải pháp chung nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng theo hình thành các cụm liên kết ngành, TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, giai đoạn vừa qua, việc liên kết các vùng kinh tế ở Việt Nam chưa tốt, sức chống chịu còn hạn chế. Do đó, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế là hết sức cần thiết.
“Để tăng cường việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần điều tiết dòng chảy nguồn lực kinh tế cho phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân khiến việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng lỏng lẻo”, TS. Lê Xuân Bá lưu ý.