Nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
Đẩy nhanh tiêm vaccine để phục hồi kinh tế | |
Tín dụng hướng vào phục hồi kinh tế | |
Tín dụng chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế |
Kiên định mục tiêu kép
Tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV ngày 11/8, Chính phủ đã thảo luận nhiều vấn đề then chốt, quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021.
Tại phiên họp này, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH; củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng… Trong bối cảnh rất khó khăn do đợt dịch này gây ra, nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm nên 7 tháng đầu năm cũng đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhưng dịch bệnh còn phức tạp, phía trước còn nhiều thách thức.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao |
Vì vậy tại phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021 đã đề ra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi, hiệu quả và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm.
Chính phủ cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.
Ngân hàng giảm thêm lãi suất
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề hỗ trợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 tại họp báo Chính phủ thường kỳ sau phiên họp của Chính phủ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020 lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%; 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%.
Tuy nhiên trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía Nam, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận. “Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội ngân hàng và 16 NHTM đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. Cụ thể, 16 NHTM cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỷ đồng thông qua các nguồn trên”, Phó Thống đốc cho biết.
Trước việc gần đây có một số cơ quan báo chí đưa thông tin “NHNN đưa ra gói 20.300 tỷ đồng”, Phó Thống đốc “đính chính” thông tin này, khẳng định không có gói nào như vậy mà đây chính là con số tổng giảm lãi suất của 16 NHTM cam kết từ nay đến cuối năm như đề cập ở trên. Các NHTM tùy theo quy mô, điều kiện của mình sẽ có các cách làm khác nhau để thực hiện được cam kết này.
Ngoài phần 16 NHTM đã cam kết giảm kể trên, 4 NHTM có vốn Nhà nước thực hiện chỉ đạo của NHNN cũng đồng thuận giảm thêm 4.000 tỷ đồng nữa (mỗi ngân hàng sẽ giảm thêm 1.000 tỷ đồng) cho các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là những tỉnh, thành phố mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đang hết sức khó khăn.
Bên cạnh giảm lãi suất, 4 NHTM Nhà nước cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách hiện nay. “Việc giảm lãi suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các NHTM để làm sao từ nay đến cuối năm những cam kết này trở thành hiện thực”, Phó Thống đốc khẳng định.
Về phía tài khóa, nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn cũng đang được khẩn trương xây dựng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, với các chính sách của năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp. Trong đó, tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ (dự kiến là các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng); giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế với mức dự kiến sẽ giảm 50%.
Giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như giao thông vận tải, kinh doanh lưu trú, du lịch… Miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn. Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn… “Tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.
Về tiến độ triển khai, Bộ Tài chính đang lấy và tổng hợp các ý kiến để báo cáo các bộ, ngành liên quan, tổng hợp để báo cáo Chính phủ, đảm bảo trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ sẽ trình để UBTVQH xem xét, quyết định theo thẩm quyền và theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới: Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa; Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ; Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này; Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp; Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.