Nhiều nhà đầu tư "nhắm" đến thị trường bất động sản Việt
Các nhà đầu tư luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Ông Matthew Bouw nhận định: "Tôi nhận thấy, Việt Nam đang tích cực cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như lành mạnh hóa môi trường kinh doanh nói chung. Những điều này là điểm cộng để Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bất động sản thương mại".
Hiện nhiều công ty đa quốc gia lớn đã và đang có mặt tại Việt Nam như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp... Đây là một dấu hiệu thực sự tích cực cho các nhà đầu tư tổ chức và nhóm ngành công nghiệp và hậu cần đang rất được ưu tiên. TP. Hồ Chí Minh vẫn là thị trường văn phòng có nhiều ưu thế, nhất là văn phòng hạng A tiềm năng. Các tòa nhà văn phòng có vị trí thuận lợi, cùng các yếu tố ESG cần thiết, cơ cấu khách thuê tốt, tăng trưởng cho thuê mạnh mẽ, thời hạn thuê hấp dẫn và công suất thuê cao luôn là loại tài sản hấp dẫn với nhà đầu tư.
Bên cạnh thị trường văn phòng, căn hộ chung cư hoặc nhà xây để cho thuê đang trở thành loại tài sản được tìm kiếm nhiều hơn ở nhiều thành phố trên thế giới. Với mật độ dân số đô thị ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa và nguồn cung không tăng để đáp ứng đủ nhu cầu, phân khúc nhà ở có thể sẽ là loại tài sản tăng trưởng tốt ở một số thị trường trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ này. Các nhà đầu tư luôn tìm đến những khu vực đang tăng trưởng, có chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Theo ông Matthew Bouw: "Việt Nam có tất cả những thuộc tính đó, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định. Những yếu tố đó chính là động lực cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực bất động sản".
Ông Matthew Bouw cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định mình là một điểm đến tuyệt vời để đầu tư với các quy định phù hợp cũng như cơ sở hạ tầng tốt, nơi các nhà đầu tư có thể xin giấy phép và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Bằng cách duy trì các động lực tăng trưởng kèm theo các yếu tố hỗ trợ cần thiết như tính minh bạch, tính tuân thủ để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng, Việt Nam sẽ có thể tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.