Nhóm Nghiên cứu BIDV đưa ra 6 kiến nghị cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Tăng trưởng GDP quý II có thể đạt 5,9-6,3%
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2023, kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số điểm sáng nổi lên như: Quốc hội, Chính phủ đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, quyết liệt giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng; GDP quý I tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, đạt 5,66%, cao hơn mức đưa ra trong Nghị quyết 01 với các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực; Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế (tín dụng đang tăng trở lại, riêng tháng 3, tín dụng tăng gần 1%...
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số rủi ro, thách thức chính: Rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch của Việt Nam; Cơ cấu lại nền kinh tế, giải ngân một số cấu phần của 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; Một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi chậm, trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới chậm ban hành; Doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Tín dụng tăng chậm, nợ xấu và tỷ giá tăng nhưng trong tầm kiểm soát; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường bất động sản phục hồi chậm…
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát và lãi suất giảm, cùng với đà phục hồi nội tại và các nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, kinh tế Việt Nam trong quý II và cả năm 2024 dự báo tăng trưởng cao hơn trong khi lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu”, Nhóm nghiên cứu dự báo.
Cụ thể theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5%, đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Nếu các điều kiện thuận lợi hơn, tăng trưởng GDP cả năm cũng có thể khả quan hơn, ở khoảng 6,5-7% (kịch bản tích cực).
Dự báo tăng trưởng GDP các quý và cả năm 2024 (Kịch bản cơ sở. Nguồn: dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tháng 4/2024) |
Về lạm phát, Nhóm nghiên cứu nhận định áp lực lớn hơn và dự báo lạm phát năm nay sẽ ở mức cao hơn năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy (trong đó, theo ước tính sơ bộ của Nhóm Nghiên cứu, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 sẽ khiến CPI năm 2024 tăng thêm khoảng 0,03 điểm %) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế).
Tuy nhiên, lạm phát năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại. CPI bình quân dự báo tăng trong khoảng 3,4-3,8% theo kịch bản cơ sở, nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát (giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt; giá dầu dự báo ở mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2023; cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, dự báo khoảng 0,7-0,9 lần; tỷ giá sẽ ổn định hơn và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn…).
Nỗ lực đạt được mục tiêu
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 như nêu trên, Nhóm Nghiên cứu có 6 kiến nghị chính:
Một là, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 5/1/2024; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Quốc Hội, Chính phủ; tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, diễn biến giá dầu thế giới để có kịch bản ứng phó phù hợp, bao gồm cả đối với những rủi ro gia tăng như rủi ro công nghệ cao, an ninh mạng, lừa đảo…; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, TPDN nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân.
Ảnh minh họa |
Hai là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung vào: (i) kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế GTGT, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội…); (ii) sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đảm bảo nhất quán, đồng bộ các Luật đã được Quốc hội thông qua nhằm khắc phục chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo hiệu lực thực thi; (iii) sớm ban hành thể chế, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng...
Ba là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân - và tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới và cũng là xu thế tất yếu toàn cầu (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng. Theo đó, các cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp FDI khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu..., cần sớm được ban hành và thực thi; thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (đóng góp 32% GDP toàn quốc năm 2023) nhằm tăng tính lan tỏa, cộng sinh.
Bốn là, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách miễn, giãn, hoãn thuế phí tương tự như năm 2023. Chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản). Đồng thời, các thông tư về cho vay, đầu tư TPDN và về cơ cấu lại nợ nên được sớm sửa đổi, góp phần tháo gỡ vướng mắc và tăng tính chủ động cho các TCTD và bên vay.
Năm là, đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là các dự án, các TCTD yếu kém nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường.
Cuối cùng, tập trung phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững thị trường TPDN, bất động sản và thị trường vàng, theo hướng: (i) đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc (nhất là về pháp lý, quỹ đất, định giá đất, giải phóng mặt bằng..) đối với các dự án bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực; (ii) tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường TPDN, bất động sản, sớm ban hành sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP; (iii) thực hiện hiệu quả Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó quyết tâm nâng hạng thị trường trong năm 2025, tăng cường kiểm soát rủi ro an ninh mạng, an toàn thông tin - dữ liệu; (iv) quyết liệt triển khai các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản nêu tại Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và các nghị định, nghị quyết và chỉ thị liên quan, trong đó sớm nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội vừa là để góp phần phục hồi thị trường bất động sản, vừa đảm bảo tính bền vững, hấp dẫn và khả thi của nguồn vốn dài hạn này; và (v) sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng nhằm giúp thị trường này phát triển ổn định hơn, giá vàng sát hơn giá quốc tế và vẫn đảm bảo mục tiêu giảm vàng hóa trong nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân về vàng trang sức - mỹ nghệ…