Sàn thương mại điện tử vào cuộc
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử | |
Thương mại điện tử: Con đường để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu | |
COVID-19 thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số |
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực không nhỏ đến khu vực nông nghiệp. Trong khi, giá các loại phân bón, vật tư nông nghiệp có chiều hướng tăng, thì các giá cả các loại nông sản đa phần có chiều hướng giảm. Thậm chí, cục bộ tại một số địa phương giá các loại nông sản giảm mạnh, nhưng không có thương lái thu mua. Nguyên nhân là do hoạt động thu mua, vận chuyển các loại nông sản gặp nhiều khó khăn do hoạt động giãn cách xã hội tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ...
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương nhanh chóng vào cuộc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều giải pháp thiết thực, tận dụng nhiều kênh để đa dạng phương thức giao dịch hàng hóa...
Chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp làm tốt công tác tổ chức kết nối các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản |
Đơn cử, tại Gia Lai, trong 8 tháng năm 2021, nông sản của địa phương này đã tham gia 5 sàn thương mại điện tử lớn với doanh thu hàng tỷ đồng. Sàn thương mại điện tử Voso.vn (của Viettel Post) hỗ trợ mua bán, trao đổi 33 loại nông sản của Gia Lai, doanh thu tại sàn đạt gần 500 triệu đồng; Tại các sàn Postmart.vn (của VNPost), Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, doanh số mua bán trao đổi nông sản Gia Lai đạt lần lượt 65 triệu đồng, 1,8 tỷ đồng, 1,3 tỷ đồng và 620 triệu đồng...
Ngoài ra, thông qua sàn ocopgialai.vn (Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai) quảng bá thương hiệu cho 135/149 sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên của Gia Lai. Trong đó, một số sản phẩm đặc sản có doanh số bán tốt như bò khô Huy Vũ (doanh số trên 700 triệu đồng), mật ong đa hoa (trên 400 triệu đồng), mật ong nguyên chất Phước Hỷ (trên 600 triệu đồng), mật ong T-bee (trên 600 triệu đồng), tiêu hữu cơ Lệ Chí (trên 160 triệu đồng)...
Chính quyền địa phương cũng vừa thành lập Tổ công tác hỗ trợ nông dân sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch Covid-19 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành làm Tổ trưởng để hỗ trợ nông dân không bị đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, thực hiện Công điện số 20/CĐ-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp bằng việc hướng dẫn đăng ký “luồng xanh”, dán mã QR Code để được qua chốt kiểm tra, thực hiện giải pháp “Một cung đường, hai điểm đến” trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa có lịch trình, địa điểm giao nhận hàng cụ thể. Đến nay, tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn cơ bản được triển khai thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa ra và vào....
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số sản phẩm nông nghiệp của địa phương không thể vào TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác dẫn tới bị dồn ứ. Cạnh đó, các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp phía Nam cũng tạm dừng hoạt động khiến mặt hàng này thiếu hụt, giá cả tăng cao, gây khó khăn cho nông dân...
Theo thông tin của UBND TP. Pleiku (Gia Lai), khi thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các mặt hàng rau củ quả tại xã An Phú và Chư Á chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành diễn ra bình thường, thông suốt, thế nhưng, việc vận chuyển đi tiêu thụ trong tỉnh lại khá khó khăn. Do giao dịch giữa các tỉnh, thành với chủ vựa rau chủ yếu thực hiện qua zalo, điện thoại và được vận chuyển bằng xe “luồng xanh” nên không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, rau củ quả đi đến các nơi nội tỉnh chủ yếu tập kết ở chợ. Vì vậy, khi thực hiện Chỉ thị 16, việc gặp gỡ không thể diễn ra khiến việc giao thương bị chững lại. Vì thế, rau củ quả bị xuống giá mạnh, nông dân đang rất khó khăn...
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tăng cường năng lực sơ chế, chế biến, dự trữ nông sản, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, tăng cường quảng bá thương hiệu qua nhiều kênh như báo đài, tin nhắn, website, zalo, Facebook...; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Theo Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Gia Lai, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Cần tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, thương mại số, chuyển đổi số cho hộ và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Sở Công thương cần nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh như Vĩnh Phúc, Cần Thơ... để phổ biến và triển khai tại Gia Lai.
Để giúp người nông dân không bị đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, ông Hồ Phước Thành cho rằng, mục tiêu của chính quyền địa phương là hỗ trợ nông dân trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, không để sản phẩm làm ra bị ứ đọng, tồn kho. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung cầu về vật tư nông nghiệp không bị đứt gãy. Vậy nên, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp làm tốt công tác tổ chức kết nối các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong tình hình hiện tại. Tổ công tác sẽ giúp nông dân hình thành và tham gia vào nền kinh tế số, thương mại số...
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)