Phê chuẩn EVFTA: Cơ hội để Việt Nam nâng cao nội lực và vị thế
Sẽ trình Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA tại kỳ họp tới | |
Covid-19 sẽ không làm thay đổi kỳ vọng EVFTA | |
Để phòng vệ thương mại không trở thành thách thức trong EVFTA |
Điều kiện quan trọng để nâng tầm
Với 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Theo quy định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để hiệp định này có hiệu lực. Hiện nay, hiệp định đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Hội đồng châu Âu phê duyệt. Như vậy, vấn đề còn lại chủ yếu đang chờ thủ tục từ phía Việt Nam.
EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam |
Theo đánh giá của Chính phủ, ở góc độ song phương, EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương của ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Tận dụng khai thác lợi thế về kinh tế
Theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.
Cụ thể với tăng trưởng, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước… tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đối với thương mại, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, cũng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới đều tăng. EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Với đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư của hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển; điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Về chất lượng đầu tư, với EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU; việc này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng. Với EVFTA, các lĩnh vực thu hút FDI dự kiến sẽ được mở rộng và đa dạng hơn trong những ngành EU có thế mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đối với ngân sách Nhà nước, việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Một là giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Hai là, tăng thu NSNN do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Lợi ích của EVFTA về thu ngân sách có thể sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.
EVFTA không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thách thức đối với các ngành: thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics mà sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế - pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với EVFTA trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam...