Covid-19 sẽ không làm thay đổi kỳ vọng EVFTA
Để phòng vệ thương mại không trở thành thách thức trong EVFTA | |
Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng cho EVFTA | |
Chuẩn bị hành trang lên cao tốc EVFTA |
Ông Nicolas Audier |
Một trong những nội dung quan trọng và rất được mong đợi là tại kỳ họp 44 (diễn ra từ 20-28/4), Thường vụ Quốc hội bàn về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn với ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về vấn đề này.
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc các hiệp định EVFTA, EVIPA sắp được hoàn tất phê chuẩn?
EVFTA và EVIPA là đại diện cho các FTA đầy tham vọng và toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU với một quốc gia đang phát triển. Khi các hiệp định này được hoàn tất phê chuẩn và đi vào hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ hai trong ASEAN sau Singapore có đặc quyền tiếp cận vào thị trường châu Âu có thu nhập cao với hơn 500 triệu người tiêu dùng.
EVFTA và EVIPA là đại diện cho một cuộc bỏ phiếu về sự tin tưởng đối với Việt Nam, đặc biệt qua những thành tựu về cải cách kinh tế và xã hội gần đây. Các FTA thế hệ mới này sẽ mở cửa thị trường và tăng cường thương mại và đầu tư, vì lợi ích không chỉ của các DN và người tiêu dùng mà còn đối với khung pháp lý, môi trường và tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam.
Dự báo của ông về triển vọng thương mại và đầu tư từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới?
Covid-19 đang có tác động tiêu cực đáng kể đến các DN trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Gần đây, kết quả Chỉ số môi trường kinh doanh (MTKD) của EuroCham cho thấy, sự lạc quan của các DN thành viên của chúng tôi đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, đây là kết quả trực tiếp từ tác động toàn cầu của Covid-19 đối với thương mại và đầu tư quốc tế; không phải là sự phản ánh xấu đi về MTKD tại Việt Nam.
Thật vậy, những hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ đã giúp đảm bảo rằng các DN sẽ có thể phục hồi khi cộng đồng quốc tế kiểm soát được đại dịch. Mặc dù vậy, nếu cuộc khủng hoảng này càng kéo dài, tác động của nó đối với thương mại và đầu tư quốc tế càng lớn khi các DN bị hạn chế đi lại, gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm hoạt động kinh tế toàn cầu.
Dịch Covid-19, đặc biệt nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến những tác động tích cực của các hiệp định này?
Những lợi ích của EVFTA và EVIPA vẫn sẽ không thay đổi. Sau khi các thỏa thuận được phê chuẩn và thực hiện, các DN sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ dần gần 99% các dòng thuế và các rào cản thương mại trong suốt thời gian thực hiện kéo dài hàng thập kỷ. Cụ thể, EVFTA sẽ loại bỏ thuế quan đối với 65% giá trị xuất khẩu của EU ngay khi có hiệu lực, và các mức thuế còn lại sẽ được loại bỏ trong thập kỷ tới. Trong khi đó, 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam sẽ được miễn thuế khi EVFTA có hiệu lực và tăng lên hơn 99% trong 7 năm sau đó.
So với những cam kết của WTO, với EVFTA Việt Nam có nhiều cơ hội hơn về khả năng tiếp cận thị trường được cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ EU. Các phân ngành bổ sung sẽ được mở ra, giúp EU tiếp cận tốt nhất có thể vào thị trường Việt Nam. Nói cách khác, lợi ích của EVFTA và EVIPA vẫn không thay đổi, bất chấp các điều kiện thách thức hiện tại của thương mại toàn cầu. Với những lý do trên, tôi tin rằng EVFTA và EVIPA giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết.
Thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ mở rộng hơn với EVFTA |
Trong giai đoạn này, các nhà quản lý và cộng đồng DN hai bên cần chuẩn bị gì để khai thác tốt các hiệp định này?
Sau khi EVFTA được phê chuẩn, thách thức tiếp theo sẽ dành cho tất cả các bên - từ Chính phủ, địa phương tới cộng đồng DN - để đảm bảo việc triển khai suôn sẻ và hiệu quả hiệp định. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nâng cao nhận thức về các quy định của EVFTA và nâng cao năng lực để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ lợi ích của các thỏa thuận này.
Trước dịch Covid-19, EuroCham đã tham gia các sự kiện với chính quyền địa phương và các DN ở các tỉnh trên khắp Việt Nam để quảng bá EVFTA. Khi các hạn chế về du lịch và giãn cách xã hội được nới lỏng, tôi hy vọng các sự kiện tương tự có thể tiếp tục trở lại. Trong khi đó, EuroCham cũng sẽ xây dựng “lộ trình triển khai” hiệp định, xác định những điểm chưa đồng nhất giữa EVFTA và khung pháp lý của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo việc triển khai diễn ra suôn sẻ.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài và buộc chúng ta phải ở thế tiếp tục “chung sống” với dịch Covid-19 thì cộng đồng DN hai bên cần tiến hành những công việc gì để thúc đẩy hợp tác khi các hiệp định có hiệu lực?
Sau khi được phê chuẩn và triển khai, EVFTA và EVIPA sẽ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những FTA thế hệ mới, mang ý nghĩa lịch sử này có thể được coi là một lộ trình phục hồi cho cả hai bên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thương mại và đầu tư toàn cầu. Thế mạnh cơ bản của Việt Nam - bao gồm thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh, lực lượng lao động được đào tạo tốt và sở hữu vị trí địa lý chiến lược - vẫn không thay đổi. Vì vậy, chắc chắn rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các DN châu Âu trong và sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xây dựng các mối quan hệ đối tác và hợp tác mới giữa Việt Nam và EU. Các sự kiện kết nối DN với Chính phủ như “Gặp gỡ châu Âu” - lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018 và chúng tôi hy vọng sẽ lặp lại một lần nữa vào năm 2020 - sẽ rất quan trọng trong bối cảnh này. EuroCham, với tư cách là tiếng nói của DN châu Âu tại Việt Nam, sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ hội của thị trường đang phát triển nhanh này tới các nhà đầu tư và DN trên khắp EU để giúp xây dựng cầu nối giữa cộng đồng DN hai phía.
Kỳ vọng của ông về vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng của ngành thủy sản trong thời gian tới, qua đó tạo điều kiện cho thủy sản vào EU?
Từ khi cảnh báo “thẻ vàng” lần đầu tiên vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam và ngành thủy sản đã chủ động trong việc giải quyết việc đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Tuy nhiên, rõ ràng việc giải quyết IUU không hề đơn giản. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km và hơn 100.000 tàu cá, hầu hết là tàu cỡ nhỏ.
Hải sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và các DN hải sản Việt Nam có thể là một trong những thành phần được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phê chuẩn EVFTA. Tuy nhiên, đánh bắt truyền thống vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vẫn cần thời gian và còn nhiều việc phải làm để giải quyết hết các vấn đề nhằm gỡ “thẻ vàng” EU. Nói cách khác, chúng tôi biết rằng Chính phủ, chính quyền địa phương đã rất quyết liệt để giải quyết vấn đề này, theo dõi các tàu cá và truy tìm nguồn cá được đánh bắt và bán trên thị trường. Tôi hy vọng rằng, với nỗ lực không ngừng nghỉ và với sự tham gia của cả hai bên, vấn đề này được giải quyết càng sớm càng tốt.
Xin cảm ơn ông!